Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học: “Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay” (đời sống Công giáo, Tin Lành)

30/11/2021
Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học: “Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay” (đời sống Công giáo, Tin Lành)
Sáng ngày 30/11/2021 tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học: “Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay” (đời sống Công giáo, Tin Lành)

Hội thảo khoa học với chủ đề “Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay” (đời sống Công giáo, Tin Lành) nằm trong khuôn khổ hoạt động khoa học thường niên của Viện. Mục tiêu của Hội thảo là làm rõ hiện trạng, những đặc điểm mới, diễn biến mới, xu hướng mới… của đời sống Công giáo, Tin Lành ở Việt Nam hiện nay; chỉ ra vai trò, ý nghĩa của Công giáo, Tin Lành đối với đời sống xã hội; đồng thời nhận diện những xu thế biến đổi và tương tác hai chiều giữa hai tôn giáo này với xã hội thế tục. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý cập nhật những kết quả nghiên cứu mới và thông tin một số tình hình từ thực tiễn đời sống tôn giáo, từ đó góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong cả nước về Kitô giáo nói chung, Công giáo, Tin Lành nói riêng; đồng thời, các kết quả nghiên cứu có thể góp phần vào xây dựng nền tảng cho những quyết sách phù hợp của Đảng và Nhà nước về tôn giáo trong thời gian tới.

Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nên Hội thảo được tổ chức dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự Hội thảo có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học như: Ban Tôn giáo Chính Phủ; Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam; Học viện khoa học xã hội, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ môn Tôn Tôn giáo học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn; Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;… các học viên cao học, nghiên cứu sinh của Khoa Tôn giáo học, Học viện Khoa học xã hội và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo.

Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn nêu rõ chủ đề Hội thảo: đời sống Công giáo và Tin Lành nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, các nhà quản lý của Trung ương và địa phương và một số vị chức sắc các tôn giáo tham gia viết bài cho hội thảo. Hội thảo đã nhận được 33 bài tham luận đề cập tới các khía cạnh khác nhau của đời sống của Công giáo và Tin Lành. Nhìn chung các bài viết đều tập trung vào tìm hiểu hai tôn giáo lớn trong gia đình Kitô giáo là Công giáo và Tin Lành. Cụ thể là có 17 bài viết về Công giáo, 11 bài viết về Tin Lành, 5 bài đề cập tới cả Công giáo và Tin lành. Tuy đa dạng về chủ đề, nhưng nhìn chung các bài viết tập trung vào ba nhóm nội dung lớn sau:

Nhóm nội dung thứ nhất, các tác giả đã tập trung vào xu hướng biến đổi của Công giáo và Tin Lành ở Việt Nam hiện nay. Góc độ này được xem xét không chỉ ở phương diện bên ngoài, mà đã có những phân tích đánh giá sâu từ bên trong dưới góc độ niềm tin và thực hành tôn giáo. Trong nhóm này có thể kể đến tác giả Đỗ Quang Hưng với chủ đề hết sức thú vị là: “Tái tạo bên trong thế giới Tin lành”, tác giả đã có những dẫn luận chứng minh từ tình trạng gia tăng của cộng đồng Kitô giáo thế giới qua các phân tích nhân khẩu học và dân số học dẫn đến những dịch chuyển về địa tôn giáo. Tác giả cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu hướng toàn cầu hóa tôn giáo, Kitô giáo nói chung, đạo Tin Lành nói riêng đã và đang diễn ra sự biến đổi mạnh mẽ và phổ biến đó là sự “tái tạo bên trong” thế giới Tin Lành với hai áp lực rõ rệt đó là sự thu hẹp bản sắc quốc gia, đồng thời lại là sự tăng cường xu hướng Phúc Âm hóa. Cùng xu hướng này phải kể đến bài của tác giả Nguyễn Thanh Xuân đã phân tích những biến chuyển của Tin Lành qua các con số; Lê Đình Lợi với chuyển biến của Tin lành trong cộng đồng Hmông ở vùng núi phía bắc Việt Nam. Tác giả Hoàng Văn Tùng cũng cung cấp cho Hội thảo những biến chuyển về niềm tin, thực hành của Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Kitô ở Việt Nam. Ngoài ra, bài của tiến sĩ Phạm Huy Thông  đưa ra những con số rất cụ thể về một số khía cạnh biến chuyển của Công giáo như gia đình, đời sống đạo. Tác giả cũng đưa ra nhận định bên cạnh xu hướng chủ đạo là đồng hành cùng dân tộc, cộng đồng Công giáo hiện nay cũng có những biến chuyển mới trong mối tương tác giữa với các khía cạnh chính trị xã hội. Vụ Tin Lành, Ban Tôn giáo Chính phủ từ góc nhìn quản lý cũng đề cập tới một số xu hướng mới của Tin Lành Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó hội thảo cũng nhận được một số bài viết của các Ban Tôn giáo các tỉnh bàn về chủ đề này như Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum, Ban Tôn giáo TP Hà Nội, Ninh Bình, Bắc Ninh…Các bài viết đã phản ánh, cập nhật tình hình mới nhất từ những chuyển biến đời sống của Công giáo, Tin Lành tại các địa phương trên cả nước.

Nhóm chủ đề thứ hai được nhiều bài viết khác phản ánh đó là: Phân tích vai trò, giá trị của Kitô giáo với xã hội Việt Nam hiện này. Có thể thấy điều này nổi bật qua các bài viết từ những chính những vị chức sắc tôn giáo với tư cách người trong cuộc, hằng ngày lãnh đạo cộng đồng Kitô trong đời sống đạo. Bài của linh mục Trần Xuân Mạnh và Mục sư Trần Thanh Truyện tuy từ hai góc nhìn dưới lăng kính Công giáo và Tin Lành nhưng đều  đề cập tới những nỗ lực của người Công giáo và Tin Lành đồng hành với những vấn đề mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt. Trong bài viết của mình, linh mục Trần Xuân Mạnh đã dẫn Thư chung 1980 của Hội đồng giám mục Việt Nam về đường hướng đồng hành cùng dân tộc và những triển khai tinh thần đó của giáo hội Công giáo vào việc đồng hành với cả nước chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Có thể nói, đó cũng là việc mà người tín hữu đã thực hiện theo tinh thần bác ái mà Chúa Giêsu đã truyền dạy để đem vào đời sống, giúp ích cho đời. Mục sư Trần Thanh Truyện trong bài viết của mình đã nêu vai trò của Cơ đốc Phục Lâm trong các nỗ lực ứng phó của người Việt Nam với các vấn đề mà xã hội đang đối mặt. Ngoài những trình bày về lịch sử giáo hội cũng như những thích ứng văn hóa của tín hữu Cơ đốc Phục Lâm ở khía cạnh văn hóa, tác giả cũng đề cập tới những đóng góp của Cơ đốc Phục lâm cho các vấn đề môi trường, từ thiện xã hội, nhân đạo thông qua những mô hình rất tốt ở Cần Thơ, Phú Nhuận, Lâm Đồng… Từ những đóng góp tích cực của giáo hội Cơ đốc Phục lâm, tác giả cũng đề xuất với Nhà nước để có thêm những chính sách cụ thể hơn nữa để tôn giáo tham gia đóng góp tích cực cho các vấn đề y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo nhằm phát huy tốt hơn nữa nguồn lực tôn giáo. Nhóm nội dung này cũng nhận được một số  tham luận của các nhà quản lý như Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo Người Công giáo Việt Nam tập trung về chủ đề tôn giáo tham gia chống đại dịch Covid – 19 trong thời gian qua. Ngoài ra, cũng có các bài viết của các nhà khoa học khác như PGS. Nguyễn Quang Hưng, PGS. TS Ngô Hữu Thảo, TS.Vũ Thị Thu Hà… bàn về vai trò của Kitô giáo với văn hóa và bảo vệ môi trường, về vai trò của Công giáo trong đào tạo nghề…

Chủ đề thứ ba mà các tác giả viết bài tương đối tập trung trong hội thảo là bàn về văn hóa và đời sống đạo của người Kitô ở Việt Nam. Trong chủ đề này phải kể đến các bài của PGS TS. Nguyễn Hồng Dương đề cập tới cải tổ mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ vụ loan báo Tin mừng nhìn từ thực tiễn Công giáo Việt Nam; bài Đời sống của người Công giáo di cư trong quá trình đô thị hóa ở Hà Nội của nhóm tác giả Hoàng Thu Hương đến từ trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cũng cho thấy những biến chuyển văn hóa và sinh hoạt tôn giáo của tín hữu ngoại tỉnh khi ly hương đến sinh kế tại đô thị. Ngoài ra các chủ đề khác như: lòng đạo đức bình dân, dâng hoa Đức Mẹ, giáo dân trong giáo hội, âm nhạc trong thờ phượng, hội nhập văn hóa… cũng được đề cập trong các bài viết của các nhà nghiên cứu. Nhìn chung, chủ đề hội thảo đã nhận được các ý kiến sâu sắc và hữu ích với các góc nhìn đa dạng phong phú, phản ánh những khía cạnh khác nhau của đời sống Kitô giáo Việt Nam trong quá khứ và đương đại.Hội thảo đã kết thúc thành công, mặc dù Hội thảo chưa phản ánh hết được những kết quả nghiên cứu đáng được ghi nhận của toàn bộ hoạt động nghiên cứu tôn giáo bởi giới nghiên cứu tôn giáo trong cả nước nói chung, bởi cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo nói riêng trong 30 năm qua. Còn nhiều chủ đề nghiên cứu mà các kết quả chưa được tổng kết, còn nhiều vấn đề nghiên cứu về tôn giáo chưa được thảo luận thỏa đáng, còn những triển vọng trong nghiên cứu tôn giáo chưa được chỉ ra. Nhưng Hội thảo không chỉ là kết quả của một Hội thảo học thuật, mà còn có vai trò như khẳng định một dấu mốc mới của nghiên cứu tôn giáo hay Tôn giáo học ở Việt Nam vào giai đoạn thập niên thứ hai của thế kỷ XXI.

Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tiếp qua đó làm sâu sắc thêm những nội dung trong các bài tham luận, cũng như trao đổi, thảo luận về những nội dung, chủ đề của Hội thảo, nhất là những biểu hiện mới, xu thế mới, những vấn đề đặt ra, v.v.. của đời sống Kitô giáo ở Việt Nam đương đại. Cuối cùng PGS.TS. Chu Văn Tuấn, thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo xin được trân trọng cám ơn các nhà khoa học đã ủng hộ và đóng góp cho Hội thảo giàu ý nghĩa này.  PGS.TS. Chu Văn Tuấn cho rằng hội thảo được diễn ra thành công như ngày hôm nay là có sự cộng tác góp sức của các nhà khoa học, các nhà quản lý và các vị chức sắc tôn giáo đã tham gia viết bài cho hội thảo.

Các tin đã đưa ngày: