Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Hội thảo khoa học “Sinh thái học tôn giáo”

11/09/2024
Hội thảo khoa học “Sinh thái học tôn giáo”
Sáng ngày 10/9/2024 tại Hội trường số 27, Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo khoa học Sinh thái học tôn giáo.

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch Hoạt động khoa học chung năm 2024 của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, đồng thời, cũng là tiếp nối hướng tiếp cận nghiên cứu khoa học đương đại về tín ngưỡng, tôn giáo mà Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã triển khai trong những năm gần đây.

PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo phát biểu khai mạc Hội thảo

Sinh thái học tôn giáo (religious ecology) là thuật ngữ khoa học mang tính liên ngành, nghiên cứu quan niệm và thái độ ứng xử của các tôn giáo với môi trường sinh thái; gắn đức tin tôn giáo với hành động nhằm giữ gìn sự cân bằng của môi trường sinh thái. Thuật ngữ này xuất hiện trong vài thập niên gần đây khi biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề nóng của toàn cầu. Về mặt lý luận, Sinh thái học tôn giáo nhận diện và bổ sung nhiều luận cứ về thế giới quan tôn giáo với vấn đề môi trường tự nhiên, cảnh quan sinh thái, đồng thời, kết hợp nhận thức tôn giáo và nhận thức khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của môi trường sinh thái. Thông qua các câu chuyện, giáo lý, giáo luật… các tôn giáo đã “thiêng hóa” môi trường, khẳng định sự bình đẳng giữa con người và tự nhiên, cũng như xây dựng hệ quy tắc ứng xử, quy định trách nhiệm của con người trong việc tôn trọng, bảo vệ, sử dụng thiên nhiên một cách hợp lý. Đây là một hướng nghiên cứu cần được làm rõ trong bối cảnh nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo đương đại ở Việt Nam hiện nay. 

Hội thảo khoa học Sinh thái học tôn giáo được tổ chức thông qua hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện tổ chức tôn giáo, người thực hành tôn giáo trong cả nước. Với 24 bài tham luận, nội dung Hội thảo tập trung vào ba chủ đề lớn: Một là, cơ sở lý luận về sinh thái học tôn giáo. Hai là, thực tiễn tham gia bảo vệ môi trường sinh thái của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Ba là, một số giải pháp, khuyến nghị về phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo chào mừng sự góp mặt nhiệt tình, đông đảo của các đại biểu tham dự Hội thảo. PGS. TS Chu Văn Tuấn cho rằng chứng kiến thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là những ảnh hưởng nghiêm trọng của Cơn bão số 3 tại nhiều tỉnh/thành phía Bắc trong những ngày vừa qua càng cho thấy vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu có tính cấp thiết vô cùng. Vì vậy, nghiên cứu Sinh thái học tôn giáo nhằm làm rõ một lĩnh vực nghiên cứu liên ngành kết nối Sinh thái học và Tôn giáo học không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt học thuật, mà còn mang tính thời sự.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã lắng nghe năm báo cáo của các nhà khoa học. Nội dung tập trung vào vấn đề lý luận về Sinh thái học tôn giáo nói chung và Sinh thái học của từng tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, vấn đề thực thi chính sách và giải pháp phát huy vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong bảo vệ môi trường sinh thái hiện nay.  Với cách tiếp cận đi từ “Sinh thái học tôn giáo” đến “Lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và sinh thái”, ThS. Dương Văn Biên (NCV Viện Nghiên cứu Tôn giáo - NCS. Viện Nghiên cứu Châu Á, Đại học Quốc gia Brunei), đã nhấn mạnh sinh thái học của tôn giáo ra đời và phát triển gắn với tôn giáo, và mỗi tôn giáo lại có sinh thái học của riêng mình. Tuy nhiên, Sinh thái học tôn giáo với tính chất như là nghiên cứu về tôn giáo dưới góc độ Sinh thái học thì mới bắt đầu được khởi xướng và xây dựng khung lý luận kể từ nửa cuối những năm 1960. Có thể gọi đầy đủ là Sinh thái học về tôn giáo, dựa trên cách tiếp cận Sinh thái học để nghiên cứu về các vấn đề môi trường tác động lên tôn giáo. Ban đầu, Sinh thái học tôn giáo dựa chủ yếu vào Sinh thái học văn hóa và Tôn giáo học như là một khoa học. Về sau đó, xu hướng tìm hiểu sự tương tác qua lại giữa môi trường sinh thái và tôn giáo ngày càng nở rộ. Cho tới nay, Sinh thái học tôn giáo đã được phát triển thành lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo và sinh thái. Đây là một lĩnh vực liên ngành và đa ngành, với nhiều chủ thể cùng tham gia.

TS. Ngô Quốc Đông (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đề cập cụ thể về “Tiến triển của thần học Công Giáo về vấn đề môi trường”, đặc biệt, tác giả cho biết khái niệm Thần học môi trường, Thần học sinh thái mới được đặt ra từ nửa sau thế kỷ XX, nhưng các quan niệm về con người với thiên nhiên, ứng xử của họ với tự nhiên đã được đặt ra từ thời Cựu Ước qua các sách của Kinh Thánh và trở thành một phần của thần học luân lý. Về sau, các quan điểm thần học về môi trường đã được Giáo hội Công giáo đặt trong tương quan với môi sinh toàn diện và nhân bản của con người. Theo tác giả, với cách nhìn của Giáo hội Công giáo, rõ ràng môi trường không chỉ là những lời khuyên về mặt luân lý, đạo đức, lối sống cho mỗi cá nhân và cộng đồng, mà nó còn liên quan đến các vấn đề khác như: môi trường gia đình, bình đẳng xã hội, cơ hội cho người nghèo, chia sẻ, liên đới và đồng trách nhiệm giữa các cộng đồng…

Các đại biểu tham dự trình bày tham luận, trao đổi và phát biểu tại Hội thảo

Ở góc độ Sinh thái học gắn với Phật giáo, PGS. TS. Đỗ Lan Hiền (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh hướng nghiên cứu về “Môi trường luận Phật giáo – Nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn áp dụng”. Theo tác giả, Môi trường luận tôn giáo là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học đang nổi lên hiện nay. Liên tiếp trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, nhiều ấn phẩm có giá trị bàn về Môi trường luận tôn giáo, Sinh thái học tôn giáo được xuất bản rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Với trường hợp Phật giáo, nhiều công trình được công bố rộng rãi trong nước và quốc tế gần đây đều khẳng định sách kinh điển của Phật giáo chứa đựng các triết lý, tư tưởng về lĩnh vực tự nhiên. Do vậy, khi nghiên cứu về Phật giáo, cần xem xét trong các chiều kích quan hệ mới mà trước đây chưa được đề cập một cách đầy đủ như: tôn giáo và môi trường, tôn giáo và năng lượng, tôn giáo và biến đổi khí hậu, tác động của nhận thức Phật giáo tới hành vi và hoạt động bảo vệ môi trường trong thực tiễn... Việc đề cao và phát huy nguồn lực Phật giáo trong bảo vệ môi trường theo giáo lý Phật giáo sẽ “phá vỡ những rào cản truyền thống về “vấn đề tôn giáo” trong đời sống chính trị hiện nay”. Hoạt động thực tiễn bảo vệ môi trường của một số tu sĩ và tổ chức Phật giáo trên phạm vi toàn cầu là một minh chứng cho việc cộng đoàn Phật giáo đã có một nền tảng tín lý về “Môi trường luận” để vận dụng, cụ thể như trường hợp Phật giáo Mông  Cổ, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Tây Tạng (Trung Quốc) và Phật giáo Việt Nam.

Từ góc độ thực thi chính sách, PGS.TS Phạm Lan Oanh (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) tập trung vào vấn đề “Đôi nét về tang lễ văn minh theo hướng sinh thái tại Việt Nam”. Theo tác giả, việc áp dụng lý thuyết Sinh thái học tôn giáo trong liên hệ với bối cảnh tổ chức tang lễ tại Việt Nam được quy định trong một số văn bản pháp luật sẽ mang lại những phân tích và định hướng thiết thực để thực hành tang lễ phù hợp với cả truyền thống văn hóa và yêu cầu bảo vệ môi trường hiện nay. Phát triển mô hình tang lễ xanh, hạn chế đốt vàng mã, hay quy hoạch nghĩa trang bền vững, ... được xem là những giải pháp mang tính thiết thực. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp này cần có sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức tôn giáo, và cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong các nghi lễ tôn giáo, cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ thích hợp, là chìa khóa để thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong thực hành tang lễ tại Việt Nam.

Cuối cùng là phát biểu “Một số giải pháp, khuyến nghị về phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường sinh thái của tác giả Lê Thành Minh (UVTT - Thư ký Ủy ban ĐKCG Tp. Hà Nội; Trưởng ban ĐKCG quận Tây Hồ), đã khẳng định: quan điểm về sinh thái trong xây dựng đạo đức sinh thái, thay đổi lối sống, hành vi cộng đồng của mỗi tôn giáo luôn có những điểm tương đồng và khác biệt. Tuy nhiên, với mục tiêu chung là bảo vệ môi trường sinh thái, các tôn giáo cần có ứng xử phù hợp, để xây dựng mối liên hệ góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông, các giải pháp cụ nhằm phát huy vai trò của tôn giáo trong bảo vệ môi trường sinh thái, bao gồm: nâng cao nhận thức để thúc đẩy hành động và làm thay đổi hành vi; tăng cường hợp tác, gắn đạo đức và giáo lý tôn giáo với vấn đề bảo vệ môi trường; phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ; sử dụng các phương tiện truyền thông, nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật; đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường.

Tại phần trao đổi và thảo luận của Hội thảo, ngoài bàn luận về các vấn đề liên quan trực tiếp đến nội dung của năm tham luận trình bày, các đại biểu còn tập trung thảo luận về lịch sử, đặc điểm, nội dung và triển vọng của hướng tiếp cận nghiên cứu sinh thái học tôn giáo; so sánh quan điểm, giáo lý và đóng góp thực tiễn của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái ở Việt Nam; đưa ra gợi ý về việc vận dụng quan điểm của các truyền thống tôn giáo về sinh thái trong xây dựng đạo đức sinh thái, thay đổi lối sống, hành vi của cộng đồng; nâng cao vai trò của tôn giáo trong việc tuyên truyền giáo dục trách nhiệm của cá nhân đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái; đề xuất giải pháp liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và sinh thái.

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn nhấn mạnh, ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và đại diện chức sắc tôn giáo, người thực hành tôn giáo trong Hội thảo là vô cùng ý nghĩa. Các ý kiến không chỉ nêu bật kết quả nghiên cứu khoa học về Sinh thái học tôn giáo hiện nay; chỉ ra thực trạng tham gia công tác bảo vệ môi trường sinh thái của các tôn giáo; mà còn cung cấp cứ liệu khoa học nhằm khuyến nghị về chính sách, pháp luật cho nhà nước trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo phục vụ phát triển bền vững đất nước. PGS.TS. Chu Văn Tuấn nhấn mạnh rằng, từ góc độ của Viện Nghiên cứu Tông giáo, các tôn giáo đều có quan điểm, lý giải về môi trường sinh thái, chúng ta có thể gọi đó là Sinh thái luận tôn giáo hay Sinh thái học tôn giáo. Còn Sinh thái học về tôn giáo là vận dụng cách tiếp cận của Sinh thái học vào nghiên cứu tôn giáo, nhất là nghiên cứu mối quan hệ của con người với môi trường sinh thái. Sinh thái học tôn giáo hay sinh thái học về tôn giáo là lĩnh vực cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa trong thời gian tới./.

 

 

Các tin đã đưa ngày: