Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các ban ngành ở Trung ương và địa phương như Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo tỉnh An Giang, Ban Tôn giáo tỉnh Cần Thơ, Ban Tôn giáo Tp. Đà Nẵng, Ban Tôn giáo tỉnh Hà Nam, Ban Tôn giáo tỉnh Bắc Ninh, Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, v.v.. Đã từ lâu trên thế giới, sự xuất hiện và tác động của Các phong trào tôn giáo mới (New Religious Movements) đến đời sống tôn giáo - xã hội là một chủ đề học thuật thú vị nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi. Giới học thuật đã đề xuất nhiều cách tiếp cận khác nhau về bản chất, quy luật phát sinh, phát triển và những tác động tích cực, tiêu cực của các phong trào này. Ở Việt Nam, hiện có nhiều cách gọi khác nhau về các hiện tượng tôn giáo mới. Các hiện tượng này một mặt làm gia tăng tính đa dạng của đời sống tôn giáo, mặt khác, lại đặt ra những thách thức mới mẻ cho việc ứng xử với các loại hình niềm tin, thực hành nghi lễ và tổ chức cộng đồng mới lạ, thậm chỉ trước đây chưa từng ghi nhận.
Cho đến nay, vấn đề “hiện tượng tôn giáo mới" luôn là mối quan tâm của giới quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và giới nghiên cứu, giảng dạy về tôn giáo trong xã hội; do vậy, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức hội thảo khoa học với mục đích tổ chức một diễn đàn học thuật nhằm thúc đẩy những trao đối khách quan, cởi mở, đi sâu nhận diện, phân tích, đánh giá về bản chất và cập nhật những tác động đa chiều cùng tình hình của các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo còn có ý nghĩa thúc đẩy sự kết nối và xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu quan tâm đến các hiện tượng tôn giáo mới ở trong và ngoài nước. Do đó, Hội thảo vừa có đóng góp cho Tôn giáo học, vừa có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách, pháp luật của nhà nước về hiện tượng mới mẻ này.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự. Theo PGS.TS. Chu Văn Tuấn, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 80 hiện tượng tôn giáo mới và có nhiều vấn đề cần bàn luận xung quanh các hiện tượng này. Thứ nhất, cần làm rõ một số vấn đề lý luận về hiện tượng tôn giáo mới, chẳng hạn, khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” đã phản ánh được các hiện tượng này chưa, có thể dùng khái niệm “tà đạo” hay “đạo lạ” để chỉ các hiện tượng này không; cần xác định “mới” là thế nào; các hiện tượng tôn giáo mới có những tác động tích cực nào không, hay chỉ có những tác động tiêu cực, v.v..; thứ hai, bản chất hiện tượng tôn giáo mới là gì, đây là sự phản kháng lại xã hội hay đơn thuần là đáp ứng, thoả mãn nhu cầu an ninh tinh thần; thứ ba, cần ứng xử như thế nào đối với hiện tượng tôn giáo mới để vừa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, vừa hạn chế những tác động tiêu cực của các hiện tượng này….
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã lắng nghe 05 báo cáo trình bày, tập trung vào ba chủ đề chính gồm: lý luận về hiện tượng tôn giáo mới; thực tiễn đời sống các hiện tượng tôn giáo mới; hiện trạng, thách thức và đề xuất giải pháp trong quản lý Nhà nước về các hiện tượng tôn giáo mới. Hội thảo cũng được nhiều đại biểu và chuyên gia có mặt phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi, thảo luận sôi nổi.
Trong bài tham luận trình bày tại hội thảo; ThS. Trần Đức Thuỷ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình cho biết các hiện tượng tôn giáo mới ở Quảng Bình tiêu biểu gồm Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, Năng lượng trống đồng Việt Nam, Pháp luân công. Trong những năm qua Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Bình phối với với các ban, ngành khác tại địa phương đã xử lý 07 vụ việc liên quan đến Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ ở 07 địa bàn với 83 lượt người tham gia; xử lý 08 vụ việc về Pháp luân công. Từ năm 2023 đến nay các hiện tượng tôn giáo mới trên địa bàn Quảng Bình được kiểm soát tốt và ít ghi nhận xử lý vi phạm. ThS. Trần Đức Thuỷ đề xuất một số khuyến nghị như tuyên truyền vận động, nâng cao hiểu biết; tuân thủ đúng pháp luật, hiến pháp; chống hành vi mê tín di đoan và lợi dụng tôn giáo; xây dựng mối quan hệ chân thành sâu sắc với các tổ chức tôn giáo; nâng cao công tác quản lý…
TS. Nguyễn Ngọc Mai – Viện Nghiên cứu Tôn giáo đã báo cáo kết quả nghiên cứu về hiện tượng “Thờ Hồ Chí Minh ở Việt Nam” qua khảo sát các hoạt động ở một số cơ sở Bắc và Bắc Trung Bộ như Hải Dương, Hà Nội, Nam Định… Các hình ảnh và video được trình chiếu trong hội thảo đã cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng thờ Hồ Chí Minh ở nhiều địa phương với nhiều tên gọi khác nhau như Tâm linh Hồ Chí Minh, Ngọc Phật Hồ Chí Minh, đạo Bác Hồ… TS. Nguyễn Ngọc Mai đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của hiện tượng tôn giáo mới này như các điện tư gia thờ Hồ Chí Minh có sự bố trí và số lượng đối tượng thờ cúng cũng như nghi lễ khác nhau; chủ điện thường là những người phụ nữ với trình độ học vấn thấp, hoạt ngôn, có khả năng chữa bệnh; kinh sách in ấn nội bộ, chủ yếu là văn khấn và viết bằng văn vần; các nghi lễ thường gắn liền với các ngày kỷ niệm lớn của đất nước hoặc các vị thần thánh, anh hùng dân tộc như sinh nhật Hồ chủ tịch 19/5, Ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ngày Quốc khánh 2/9…
Phát biểu kết luận, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho biết các ý kiến đóng góp, thảo luận tại Hội thảo là rất bổ ích, từ đó gợi mở nhiều vấn đề về hiện tượng tôn giáo mới. PGS.TS. Chu Văn Tuấn khẳng định, bên cạnh các hiện tượng tôn giáo mới đã trình bày trong hội thảo thì hiện vẫn còn nhiều nhóm, giáo phái, đạo tràng hoạt động vô cùng đa dạng và phong phú. Nghiên cứu về hiện tượng tôn giáo mới rất khó khăn vì khó tiếp cận, có những hiện tượng hoạt động bí mật, không công khai, quản lý khó nắm bắt. Cho đến nay chưa có danh mục thống kê về các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam về các vấn đề cơ bản như tên gọi, người sáng lập, nội dung căn bản và phương thức thưc thực hành… Trong bối cạnh toàn cầu hoá hiện nay có thể xuất hiện nhiều hơn các hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới và ở Việt Nam với cả yếu tố tích cực (thoả mãn những nhu cầu tinh thần, an toàn hiện sinh…) lẫn tiêu cực (xuất hiện sự ly tán, mẫu thuẫn dân tộc, tôn giáo, phê phán truyền thống…) Các hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện cần được nhìn nhận như một sự tất yếu, khách quan trong sự phát triển của xã hội và đời sống tôn giáo. PGS.TS. Chu Văn Tuấn đề nghị phân loại hiện tượng tôn giáo mới và cách ứng xử với các hiện tượng này. Về cơ bản có thể xếp thành hai loại, thứ nhất là loại mang những yếu tố tích cực, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tuân thủ pháp luật, chính sách tôn giáo; thứ hai là loại phản khoa học, mê tín, chống phá Đảng và Nhà nước, chia rẽ dân tộc. Đồng thời các bộ ban ngành, cơ quan nghiên cứu, giới học thuật không sử dụng từ “đạo lạ”, “tà đạo” mà nên gọi là “hiện tượng tôn giáo mới”. Hiện tượng là khái niệm đã nói đến sự tồn tại không ổn định, có thể tồn tại tiếp tục hoặc tiêu vong trong quá trình phát triển. Cách gọi “hiện tượng tôn giáo mới” mang tính trung tính, cũng thể hiện quan điểm, ứng xử của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần thay đổi nhận thức về các hiện tượng tôn giáo mới, tránh chủ quan duy ý chí, phủ nhận, quy chụp; cần nhìn nhận khách quan, cùng nhau chia sẻ, nhận diện các hiện tượng tôn giáo này.
Một số hình ảnh về Hội thảo
Viện Nghiên cứu Tôn giáo