Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

HỘI THẢO ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI: HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM

26/07/2024
HỘI THẢO ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI: HIỆN TƯỢNG TÔN GIÁO MỚI Ở VIỆT NAM
Sáng ngày 26/7/2024 tại Quảng Bình, Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức "Hội thảo Đời sống Tôn giáo Việt Nam đương đại: Hiện tượng Tôn giáo mới ở Việt Nam"

Đã từ lâu trên thế giới, sự xuất hiện và tác động của Các phong trào tôn giáo mới (New Religious Movements) đến đời sống tôn giáo-xã hội là một chủ đề học thuật thú vị nhưng cũng gây rất nhiều tranh cãi. Giới học thuật đã đề xuất nhiều cách tiếp cận khác nhau về bản chất, quy luật phát sinh, phát triển và những tác động tích cực, tiêu cực của các phong trào này.

Ở Việt Nam, vấn đề “các hiện tượng tôn giáo mới” luôn là mối quan tâm của giới quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo và giới nghiên cứu, giảng dạy về tôn giáo, và của dư luận xã hội nói chung. Các “hiện tượng tôn giáo mới”, một mặt, làm gia tăng tính đa dạng của đời sống tôn giáo, mặt khác, lại đặt ra những thách thức mới mẻ cho việc ứng xử với các loại hình niềm tin, thực hành nghi lễ và tổ chức cộng đồng mới lạ, thậm chí trước đây chưa từng ghi nhận.

Theo một số nguồn tài liệu, hiện nay Việt Nam có khoảng 80 hiện tượng tôn giáo mới hiện diện ở khắp các vùng miền trên khắp cả nước, nhiều nhất là ở khu vực miền Bắc. Các hiện tượng này không chỉ là du nhập từ bên ngoài mà đa phần được sản sinh trong nước. Có những hiện tượng có nguồn gốc từ các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin lành… có những hiện tượng có nguồn gốc từ tín ngưỡng; có những hiện tượng mới xuất hiện vài năm gần đây, nhưng có những hiện tượng đã tồn tại vài chục năm qua. Chẳng hạn, những ngày gần đây, báo chí, dư luận xã hội đang rất quan tâm đến hiện tượng tôn giáo mới “Thiên triều Nam Quốc” xuất hiện ở Bình Thuận, gây ra những tác động đến đời sống xã hội và công tác quản lý Nhà nước.

Đã có nhiều công trình nghiên cứu, các hội thảo, toạ đàm khoa học của các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước về chủ đề hiện tượng tôn giáo mới. Có thể nêu một số công trình tiêu biểu như sau: Ban Dân vận Trung ương (2007), Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo; Ngô Hữu Thảo, Đào Văn Bình (2014), Đạo lạ ở Hà Nội hiện nay và những vấn đề đặt ra, Nxb Lý luận Chính trị;  Trương Văn Chung (2016), Tôn giáo mới: nhận thức và thực tế, Nxb Đại học QUốc gia TP HCM; Vũ Văn Chung (2016), Tìm hiểu hiện tượng tôn giáo mới ở vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Tôn giáo; Nguyễn Văn Minh (2017), Những hiện tượng tôn giáo mới ở một số dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên hiện nay; Viện Nghiên cứu Tôn giáo (2021), Một số vấn đề cơ bản về các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam (đề án Hỗ trợ TTTT về dân tộc, tôn giáo). Ban Tôn giáo Chính phủ (BTGCP (2008), Dự án khảo sát thực trạng tôn giáo mới ở nước ta hiện nay-những giải pháp và kiến nghị), Mặt trận TQ VN cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, toạ đàm, đề tài, dự án nghiên cứu, khảo sát về hiện tượng tôn giáo mới. Viện NCTG còn có đề tài Một số hiện tượng tôn giáo mới ở miền Bắc từ sau đổi mới đến nay (Lê Tâm Đắc chủ nhiệm), ngoài ra còn rất nhiều bài viết đăng tải trên các tạp chí chuyê ngành về hiện tượng tôn giáo mới.

Mặc dù vậy, cho đến nay vẫn còn có những quan điểm chưa thống nhất giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý; nhiều vấn đề liên quan đến hiện tượng tôn giáo mới cần tiếp tục làm sáng tỏ như khái niệm hiện tượng tôn giáo mới, bản chất của hiện tượng tôn giáo mới, tiêu chí nhận diện các hiện tượng tôn giáo mới, cần ứng xử như thế nào đối với hiện tượng tôn giáo mới… Đặc biệt, nhiều hiện tượng tôn giáo mới vẫn không ngừng xuất hiện hoặc biến đổi thành những dạng thức khác nhau điều đó càng đòi hỏi phải có những nghiên cứu mang tính cập nhật.

Đó chính là lý do mà Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: Đời sống tôn giáo Việt Nam đương đại: Hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam. Hội thảo có mục đích tổ chức một diễn đàn học thuật nhằm thúc đẩy những trao đổi khách quan, cởi mở, đi sâu nhận diện, phân tích, đánh giá về bản chất, tác động và cập nhật những kết quả nghiên cứu và tình hình của các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam hiện nay. Hội thảo còn có ý nghĩa thúc đẩy sự kết nối và xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu quan tâm đến các hiện tượng tôn giáo mới ở trong và ngoài nước. Do đó, Hội thảo vừa có đóng góp cho Tôn giáo học, vừa có thể đưa ra những khuyến nghị về chính sách, pháp luật của nhà nước về hiện tượng tôn giáo mới.

Có rất nhiều vấn đề mà Hội thảo hôm nay mong muốn trao đổi và thảo luận. Đó là, thế nào là hiện tượng tôn giáo mới? khái niệm “hiện tượng tôn giáo mới” đã bao quát được các hiện tượng tôn giáo mới hay chưa? có thể dùng khái niệm đạo lạ, tà đạo để chỉ các hiện tượng tôn giáo mới hay không? Bản chất của các hiện tượng tôn giáo mới là gì? phải chăng đó là sự khản kháng hay ly khai đối với các tôn giáo truyền thống? hay là sự phản kháng xã hội hay đơn thuần chỉ là con đường mới nhằm thoả mãn những nhu cầu tinh thần của xã hội? Bản chất của Hiện tượng tôn giáo mới phải chăng là ở tính tôn giáo hay bao gồm tất cả những trào lưu/khuynh hướng tư tưởng mới? Thế nào thì gọi là “mới”: mới về thời gian xuất hiện, hay mới xuất hiện ở một khu vực, vùng miền, quốc gia mà trước đó chưa có? (điều đó lý giải cho trường hợp Nhất quán đạo, một tôn giáo đã ra đời tồn tại gần 1 thế kỷ, hiện diện ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn gọi là hiện tượng tôn giáo mới…). Chúng ta cần phải ứng xử như thế nào đối với các hiện tượng tôn giáo mới? Có lẽ còn có nhiều vấn đề về hiện tượng tôn giáo mới chưa có được nhận thức chung, do đó, trong ứng xử đối với các hiện tượng này có sự khác biệt, có địa phương thì quản lý khắt khe, có địa phương thì buông lỏng dẫn đến những hệ luỵ, những phức tạp trong đời sống tôn giáo.

Trong hội thảo này, Ban Tổ chức và các nhà khoa học, các vị đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các chủ đề/nội dung

1. Những vấn đề lý luận về hiện tượng tôn giáo mới như Nguồn gốc, bản chất, đặc điểm và nguyên nhân xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới và ở Việt Nam;

2. Giới thiệu, phân tích một số hiện tượng tôn giáo mới cụ thể, những biểu hiện mới, dạng thức mới của các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt nam; Nhận diện các vấn đề đặt ra từ sự hiện diện của các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam;

 3. Dự đoán xu thế vận động của các hiện tượng tôn giáo mới trong thời gian tới và Khuyến nghị về chính sách, pháp luật cho Đảng, Nhà nước.

Các đại biểu trình bày bài tham luận tại hội thảo

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, chú ý và ủng hộ của đông đảo giới quản lý, giới nghiên cứu về hiện tượng tôn giáo mới. Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo tham luận. Các báo cáo đã cung cấp một lượng thông tin hết sức phong phú về tình hình các hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới và ở Việt Nam. Bên cạnh thông tin cập nhật về các hiện tượng tôn giáo mới đã biết, còn có những những báo cáo chia sẻ thông tin về những hiện tượng tôn giáo mới ít người biết đến, chẳng hạn như Thiên Khai Huỳnh Đạo, Pháp Tạng Phật giáo Việt Nam...

Viện Nghiên cứu Tôn giáo mong muốn mở ra và tiếp tục duy trì những thảo luận học thuật về các hiện tượng tôn giáo mới trong thực tiễn đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Từ những thảo luận mang tính phương pháp luận, những phân tích, đánh giá chuyên sâu, đến việc cập nhật thông tin về các hiện tượng tôn giáo mới, hi vọng trong tương lai gần, nghiên cứu về các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam có thể đạt thêm những thành tựu mới, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, pháp luật trong ứng xử với các hiện tượng tôn giáo mới.

Các tin đã đưa ngày: