TRƯỚC MỘT THÔNG ĐIỆP CÓ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam - Vatican đang đạt được nhiều bước tiến tích cực, mới nhất là việc Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski làm Đại diện Thường trú tại Việt Nam và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận lời mời sang thăm Việt Nam. Theo ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cuộc hội thảo được tổ chức không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo, lịch sử, mà còn mang tính thời sự quan trọng trong việc động viên đồng bào Công giáo tiếp tục sống “tốt đời, đẹp đạo”, cùng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo đã đến tham dự, trình bày tham luận, trao đổi các ý kiến chuyên sâu. Về phía Bộ Nội vụ có ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng. Về phía Ban Tôn giáo Chính phủ có ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban; ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó ban. Có 6 Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam hiện diện là Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám mục giáo phận Phan Thiết, Tổng Thư ký HĐGMVN; Đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám mục giáo phận Hà Tĩnh, Phó Tổng Thư ký; Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng Giám mục phó TGP Huế; Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục giáo phận Vinh; Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Giám mục giáo phận Long Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Giáo dân; Đức cha Đaminh Đặng Văn Cầu, Giám mục giáo phận Thái Bình; linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng HĐGMVN... Về phía Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch; ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch. Hội thảo cũng ghi nhận sự tham gia và đóng góp ý kiến của đội ngũ các nhà nghiên cứu: PGS. TS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; GS.TS Đỗ Quang Hưng và PGS.TS Nguyễn Hồng Dương là hai nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân - nguyên Phó Ban Tôn giáo Chính phủ, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Thị Kim Oanh - Trưởng Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học KHXHVNV, Đại học Quốc gia Hà Nội; TS Đào Thị Đượm - Trưởng phòng Công giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ; TS Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch UBĐKCG thành phố Hà Nội; PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội… Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả; cùng một số linh mục, tu sĩ đại diện các dòng tu. Trước khi đi vào phần nội dung, toàn thể các tham dự viên đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Các Giám mục trong HĐGMVN tham dự
Hội thảo đã nhận về 20 tham luận, tập trung phân tích, nhận định mục đích, ý nghĩa của nội dung thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi cộng đồng Công giáo Việt Nam; làm rõ đường hướng tốt đẹp và đóng góp của Công giáo Việt Nam qua chỉ dẫn của Đức Giáo Hoàng, qua Thư Chung 1980 của HĐGMVN, từ các hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực y tế, xã hội, giáo dục, văn hóa…, các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, tấm gương điển hình trong đoàn kết yêu nước của Công giáo Việt Nam. Các đại biểu cùng bàn về thuận lợi và khó khăn trong đường hướng đồng hành cùng dân tộc của người Công giáo Việt Nam, cũng như trao đổi về những tiến triển trong quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam và Tòa Thánh Vatican, đóng góp của Công giáo Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hai bên…
NHỮNG TƯ TƯỞNG CỐT LÕI
Theo PGS.TS Chu Văn Tuấn, bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất phát từ việc khẳng định giá trị cốt lõi của Công giáo là “Mến Chúa, yêu người”, là nền tảng định hướng, dẫn dắt các hoạt động của Công giáo đối với xã hội. PGS.TS Chu Văn Tuấn nêu ra các điểm nổi bật trong thư này, đó là tinh thần mến Chúa, yêu người; Xây dựng mối tương quan tốt đẹp, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam, giữa Giáo hội và Nhà nước, giữa Công giáo và Dân tộc; Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, đồng hành cùng dân tộc qua các hoạt động cụ thể, trở thành người Kitô hữu tốt cũng là công dân tốt; Về mối quan hệ của Hội Thánh Công giáo ở Việt Nam với chính quyền; Về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng Công giáo Việt Nam đối với xã hội. Đồng thời bày tỏ tin tưởng những hướng dẫn vừa mang tính thời sự, vừa như những gợi ý cho hoạt động lâu dài trong tương lai đối với việc duy trì và xây dựng mối tương quan giữa cộng đồng Công giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam mà vị lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ ưu tư, tha thiết sẽ giúp cho “cộng đồng Công giáo Việt Nam có thêm những định hướng tích cực và tiếp tục phát huy truyền thống đồng hành cùng dân tộc, làm tròn bổn phận của mình với đất nước, mở rộng tình yêu thương bằng những hoạt động bác ái cụ thể. Theo hướng như thế, mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội Công giáo sẽ càng được thắt chặt, ngày càng tốt đẹp và có động lực chung là cùng phục vụ dân tộc, đem lại những lợi ích tốt lành cho đất nước”.
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang ngày càng phát triển tốt đẹp. Trong ảnh: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đức TGM Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa thánh ngày 9.4.2024
Trong khi đó, tham luận của PGS.TS Trần Thị Kim Oanh đặt thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong sự liên hệ với Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, chỉ ra những điểm tương đồng cơ bản của hai huấn từ. Đó đều là kêu gọi sự dấn thân, thực thi lối sống Phúc Âm và đồng hành, dựng xây quê hương, đất nước. PGS.TS Trần Thị Kim Oanh khẳng định: “Thư đã khuyến khích tất cả mọi tín hữu trong Giáo hội Việt Nam hãy tích cực tham gia và chu toàn, trung thành, nhiệt huyết những bổn phận trần thế của mình trong sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm: ‘Trong khi phải sống như con người với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận của mình trong đời sống đạo và hoàn thiện nhân cách để trở nên người tốt, thì cũng không được xao lãng vai trò trách nhiệm đóng góp của mình đối với xã hội và đất nước quê hương nơi mình sinh sống’. Chính tinh thần này mà Thư Chung năm 1980 và Thư của Đức Giáo Hoàng trở thành nền tảng cốt lõi để phát huy các chức năng xã hội của Công giáo như dấn thân xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Dấn thân trong công tác từ thiện và an sinh xã hội; Dấn thân trong công tác chăm sóc y tế cộng đồng; Dấn thân trong công tác giáo dục tại địa phương… Vì vậy giá trị, vai trò của Thư Chung 1980 và Thư của Đức Phanxicô trước hết nằm ngay chính sự tất yếu ra đời và trong bản thân chức năng xã hội của tôn giáo, cụ thể là chức năng liên kết, chức năng an ủi, chức năng thế giới quan, chức năng điều chỉnh - kiểm tra, chức năng giáo dục”.
Phân tích nội dung bức thư Đức Giáo Hoàng, các nhà nghiên cứu đều nhìn nhận những điểm son, tích cực và nhận ra tinh thần chung mà vị lãnh đạo Giáo hội toàn cầu hướng tới. Tất cả những lời huấn dụ chất chứa mong muốn dựng xây, thăng tiến, đối thoại… để lan tỏa tinh thần nhân ái, yêu thương không khu biệt hay co cụm, nhưng mở ra hướng tới đại chúng. PGS.TS Nguyễn Hồng Dương đã bàn tới “Những thuận lợi trong tiến trình triển khai đường hướng đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam”. Theo ông, về sự thuận lợi, trước hết phải kể từ phía chính sách của Nhà nước Việt Nam: “Trên quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước lần lượt ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến công tác tôn giáo. Bắt đầu bằng Nghị định số 69-HĐBT, ngày 21.3.1991 Quy định về các hoạt động tôn giáo; Tiếp theo là Nghị định 26/1991-NĐ/CP Về các hoạt động tôn giáo; Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo 21/2004/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và văn bản hiện thời đang có hiệu lực đó là Luật Tín ngưỡng tôn giáo có hiệu lực từ ngày 01.01.2018. Trong các văn bản luật pháp nói trên câu chữ có khác nhau, nhưng tựu chung là Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo hỗ trợ, phát triển các hình thức mở trường lớp nhà trẻ, mẫu giáo, tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khỏe người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện xã hội khác. Trên lĩnh vực ngoại giao quan hệ với Tòa Thánh Vatican, nhà nước từng bước từ chỗ tháo nút thắt đến cởi mở, thân thiện”. Song song đó, đối với cộng đoàn Công giáo, PGS.TS Nguyễn Hồng Dương chỉ ra họ luôn được Tòa Thánh và các vị chủ chăn ngay tại địa phương khuyến khích lối sống “tốt đời, đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc. Nhà nghiên cứu này còn chỉ ra đường hướng tốt đẹp, hòa hợp không ngẫu nhiên phát xuất mà có tính quá trình, lâu dài…, và tác giả tham luận cũng không quên nêu ra những han chế, khó khăn gây cản trở quá trình hội nhập, chẳng hạn như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau một thời gian thực hiện đã xuất hiện một số bất cập cần thiết phải nghiên cứu bổ sung để đáp ứng nhu cầu thực tế. Ông đề nghị trên cơ sở quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, các cấp chính quyền cần căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để triển khai theo hướng cởi mở, tạo điều kiện tốt hơn nữa để các tôn giáo, trong đó có Công giáo, thực hiện tốt đường hướng đồng hành cùng dân tộc; Cần khắc phục những mặc cảm lịch sử còn rơi rớt trong một số chức sắc, nhà tu hành và một bộ phận giáo dân, để từ đó có cái nhìn thoáng hơn, phù hợp với việc đồng hành cùng xã hội. Trong hoạt động y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội nên mở rộng thành phong trào, hoạt động có hiệu quả ở các giáo xứ, giáo họ. Tỷ lệ người Công giáo Việt Nam tham gia tổ chức chính trị - xã hội so với một số tôn giáo khác còn thấp cũng là điều cần lưu ý…
CON ĐƯỜNG CỦA HỘI THÁNH TẠI VIỆT NAM…
Các bài tham luận và những phát biểu trao đổi quan điểm trong buổi hội thảo không chỉ theo sát nội dung bức thư với các bình luận trên nhiều khía cạnh, mà còn mở rộng ra hiện tình đời sống đức tin, những bằng chứng xác thực cho thấy một cộng đồng Giáo hội Công giáo Việt Nam thiện chí, tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại hội thảo, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Tổng Giám mục phó Tổng Giáo phận Huế đánh giá cao tinh thần đối thoại, sự làm việc mang tính nghiêm túc, xây dựng của cuộc hội thảo. Đức Tổng cũng bày tỏ niềm vui vì mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Vatican ngày càng phát triển. Ngài lý giải: “Quan hệ song phương tiến triển như ngày nay phải trải qua rất nhiều gặp gỡ, đối thoại thẳng thắn; phải dũng cảm đặt những viên gạch xây cầu nối chứ không phải các bức tường ngăn cách. Giữa xã hội và tôn giáo có những điểm khác biệt nhưng đều có đích điểm chung là xây dựng con người. Để giải quyết những khác biệt phải gặp gỡ, chia sẻ, thấu hiểu…”.
Hoạt động trải nghiệm của các sinh viên trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc. Đây cũng là trường cao đẳng nghề Công giáo đầu tiên tại Việt Nam
Tham luận của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tổng Thư ký HĐGMVN đã lược thuật các điểm nhấn quan trọng trong thư Đức Giáo Hoàng, mà nổi bật là lời kêu gọi Hội Thánh tại Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Vị giám mục còn cho biết tinh thần đồng hành, liên đới, trách nhiệm này suốt tiến trình lịch sử của Giáo hội tại Việt Nam đã thể hiện sống động qua những việc thiết thực, theo chỉ dạy của HĐGMVN trong Thư Chung năm 1980, và gần nhất là Thư của Đức Giáo Hoàng gởi cộng đồng dân Chúa tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại hội thảo
Phát biểu kết luận, Ông Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cuộc hội thảo đã chỉ rõ ý nghĩa của thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô gởi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam. Theo ông, Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục suy tư về nội dung bức thư, động viên toàn thể cộng đồng Công giáo đồng hành cùng dân tộc. Với các nhà nghiên cứu cần đưa ra các giải pháp, kiến nghị để những chủ trương, ưu tư đầy giá trị này trở thành hiện thực. Còn với chính quyền cũng sẽ tìm ra các nút thắt để tháo gỡ, khơi thông nguồn lực tôn giáo. Ông nói: “Công giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Là tín đồ - là công dân Việt Nam đã và đang cùng các tôn giáo bạn và cộng đồng không tôn giáo xây dựng, phát triển đất nước. Là cộng đồng mà được Đảng, Nhà nước quan tâm cả về đời sống kinh tế, xã hội và đảm bảo quyền tự do tôn giáo. Do vậy, quan hệ giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa Thánh Vatican luôn lấy cộng đồng Công giáo làm trung tâm để xây dựng mối quan hệ hướng đến và phát triển. Quan hệ Việt Nam và Vatican từ năm 1990 đến nay đã có 17 cuộc họp hai bên và 10 cuộc đàm phán giữa hai nhóm công tác hỗn hợp, đạt được nhiều bước tiến tích cực. Đặc biệt năm 2023 hai bên đã nâng cấp quan hệ từ đặc phái viên không thường trú lên Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam.
(…)
Nhìn lại lịch sử, năm 2009, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng đã ban hành Huấn từ cho Giáo hội Công giáo Việt Nam nhân dịp các Giám mục Việt Nam đi Ad Limina và Sứ điệp nhân dịp khai mạc Năm Thánh 2010, là những dịp có cột mốc quan trọng trong sinh hoạt nội bộ Công giáo Việt Nam. Lá thư của Giáo Hoàng lần này được công bố không phải nhân dịp một sự kiện tôn giáo mà là sự kiện đánh dấu mối quan hệ hai bên Việt Nam - Vatican, dịp Việt Nam công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, một sự kiện, một thời điểm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt về vị thế của cả Việt Nam và Vatican trong các mối quan hệ quốc tế.
Như các vị chức sắc, các nhà khoa học và quản lý nhà nước vừa chia sẻ trong hội thảo thì Giáo hội Công giáo Việt Nam, các vị chức sắc, đồng bào Công giáo trong cả nước đã đóng góp nguồn lực của mình, luôn đồng hành cùng chính quyền các cấp trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tham gia tích cực trong các hoạt động y tế, giáo dục, bác ái, từ thiện nhân đạo, chia sẻ, trợ giúp đồng bào khó khăn... Đây chính là hình ảnh đẹp của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và cộng đồng nhân dân, cùng với đời sống đạo nhiệt thành là những điều kiện đảm bảo cho mối tương quan giữa Giáo hội Công giáo và xã hội, giữa Nhà nước Việt Nam và Tòa Thánh Vatican ngày càng tốt đẹp.
(…)
Mong muốn Giáo hội Công giáo Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò, trách nhiệm đối với Giáo hội và xã hội, như những chỉ dẫn của Giáo Hoàng trong bức thư này, để hướng dẫn tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành pháp luật, đáp ứng kỳ vọng của Giáo Hoàng “người Kitô hữu tốt và là công dân tốt”, cũng là tiếp tục phát huy đường hướng hành đạo “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” mà Giáo hội Công giáo đã xác định trong Thư Chung 1980.
Năm 2025, đánh dấu 45 năm Thư Chung 1980, mong rằng Giáo hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động để đánh giá thành quả, bước tiến mà Giáo hội đã đạt được; tri ân những vị chức sắc đã có công lao to lớn kiến thiết đường hướng mục vụ phù hợp và hội nhập xã hội; cũng là tiếp tục phát huy giá trị bền vững đó trong đời sống tôn giáo và xây dựng đất nước. Chính quyền sẵn sàng đồng hành với các hoạt động này. Mỗi vị chức sắc, tu sĩ Công giáo sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa cộng đồng Công giáo và dân tộc Việt Nam; đồng thời lan tỏa giá trị thư của Giáo Hoàng, để động viên đồng bào Công giáo phát huy nguồn lực của mình trong việc xây dựng và phát triển đất nước”.
Thứ trưởng thông báo về phía các cơ quan Nhà nước sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình Đức Giáo Hoàng sang thăm Việt Nam.
TRIẾT GIANG - HÙNG LUÂN
Nguồn tin: https://cgvdt.vn/hoi-thao-thu-duc-giao-hoang-phanxico-goi-giao-hoi-cong-giao-viet-nam_a19188