Tín ngưỡng, tín ngưỡng dân gian hay còn gọi là tôn giáo dân gian ở Việt Nam là một thành tố hết sức quan trọng của văn hóa dân tộc. Trước khi Phật giáo, Công giáo, Tin Lành… du nhập vào Việt Nam, tín ngưỡng dân gian đóng vai trò là nền tảng tinh thần của người dân Việt Nam. Tín ngưỡng dân gian không chỉ là phản ánh của tư duy, lối sống, phương thức sản xuất nông nghiệp mà còn thể hiện cả những chiều kích khác của con người và xã hội Việt Nam như: tâm lý, nguyện vọng, đạo lý sống và cả tư tưởng, trí tuệ. Nói như vậy để thấy rằng đời sống tín ngưỡng dân gian Việt Nam là cả một hợp phần văn hóa dân tộc vô cùng đa dạng, phong phú và cũng phức tạp không hề kém.
Mặc dù vậy, có những giai đoạn, tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam bị xem là những hủ tục lạc hậu, gắn với mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, cần phải dẹp bỏ. Nhiều cơ sở tín ngưỡng bị phá huỷ, nhiều hoạt động tín ngưỡng bị tẩy chay, những người thực hành tín ngưỡng bị phê phán, nhiều giá trị di sản của tín ngưỡng bị mai một…Chính điều đó đã tạo nên sự gián đoạn, đứt gãy trong dòng mạch phát triển của tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam một thời kỳ.
Kể từ sau năm 1986, cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước, sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, đã kéo theo sự thay đổi trên mọi phương diện của văn hóa và tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt, sau nghị quyết TW 5 với chủ trương khôi phục và chấn hưng văn hóa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc nên hàng loạt các loại hình tín ngưỡng dân gian được nhìn nhận và khẳng định lại giá trị của chúng trong việc tái xác định bản sắc và tư duy Việt Nam. Vì thế, các loại hình tín ngưỡng dân gian trên cả nước lại được phục dựng, xác nhận lại và tạo cho nhiều điều kiện để phát triển. Kết quả là, việc Thờ thần, thờ thánh, thờ tổ tiên dân tộc, thờ Mẫu, thờ anh hùng đất nước, thờ lãnh tụ.v.v… đều đang hiện diện, hoạt động và phát triển rất mạnh trong đời sống xã hội Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Các hoạt động của tín ngưỡng dân gian cũng vì thế mà đạt tới cao trào của mọi biểu hiện thịnh vượng cũng như phơi bày rất nhiều hạn chế, bất cập, thậm chí là những biểu hiện lệch lạc, phản cảm, biến tướng.
Nghiên cứu tín ngưỡng là một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của Viện nghiên cứu Tôn giáo. Hội thảo “ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI: ĐỜI SỐNG CÁC TÍN NGƯỠNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY” là hoạt động khoa học thường niên của Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ thực trạng các loại hình tín ngưỡng đang tồn tại và phát triển trong đời sống xã hội nói chung, đời sống của các tộc người ở Việt Nam nói riêng; Phân tích và chỉ ra những xu thế biến đổi của các loại hình tín ngưỡng; Mối liên hệ giữa hoạt động tín ngưỡng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch tâm linh; Những thành tựu và vấn đề phát sinh trong công tác quản lý tín ngưỡng hiện nay. Đồng thời, hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, người thực hành tín ngưỡng kết nối, đưa ra những thảo luận, đánh giá khoa học về vị trí và vai trò của tín ngưỡng trong bối cảnh hiện nay, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng trong thời gian tới.
Trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, các đại diện cơ quan ban ngành trên khắp cả nước với hơn 40 bài tham luận bao phủ trên các lĩnh vực : chính sách, quản lý tôn giáo tín ngưỡng; Các loại hình tín ngưỡng; Các hoạt động, biểu hiện, biến đổi của tín ngưỡng dân gian; Vai trò của tín ngưỡng với đời sống xã hội và trong lĩnh vực du lịch tâm linh tôn giáo. Điều đó cho thấy Tín ngưỡng và đời sống tín ngưỡng đang là mối quan tâm của rất nhiều các đối tượng trong xã hội từ nhà quản lý, nhà khoa học và dân chúng…
Có thể nói, chưa bao giờ các nội dung, khía cạnh và biểu hiện của tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam lại được thể hiện sinh động phong phú như vậy. Các báo cáo tham luận tiếp cận từ các văn bản quản lý nhà nước về tín ngưỡng được ban hành trong quá trình thực tiễn, đến các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý tín ngưỡng, đến việc phân tích về nguyên nhân, lịch sử, động thái xã hội dẫn đến trình trạng mai một văn hóa tộc người và đề xuất về cơ chế chính sách, đối với những người có uy tín trong cộng đồng. Ở một phương diện khác, các biến động trong thực hành tín ngưỡng Tam, Tứ phủ - một di sản văn hóa Việt Nam đã được ghi danh bởi tổ chức văn hóa quốc tế UNESCO cũng được các tham luận nêu lên như một hệ lụy tất yếu của kinh tế thị trường và đầy rẫy những hệ lụy trên các phương diện thực hành nghi lễ, đội ngũ chủ thể thực hành và mục đích chức năng của thực hành nghi lễ, v.v… Những nội dung này có thể thấy trong các tham luận của Từ Thị Loan, Nguyễn Ngọc Mai; Nguyễn Hữu Thụ, Nguyễn Thị Thanh Xuyên …
Các loại hình tín ngưỡng của cư dân miền núi phía Bắc; Ven biển, hải đảo; Miền Trung bộ Việt Nam; Người Hoa ở Sài Gòn… cũng được phác họa khá sinh động trên nhiều chiều cạnh từ nguồn gốc, các thực hành còn lưu giữ, tính khu biệt của các tín ngưỡng tộc người, cộng đồng người và những biến đổi của tín ngưỡng…v.v trong các tham luận của Nguyễn Thị Yên, Đỗ Lan Hiền, Hoàng Thị Lan, Nông Bằng Nguyên, Hán Thanh Lan; Mai Thùy Anh; Trần Thị Phương Anh, Trần Thị Hồng Yến và Hoàng Văn Chung…Đặc biệt hiện tượng thờ Hổ của nhiều vùng đất Việt Nam cũng được Vũ Hồng Thuật tập hợp và biện giải như một loại hình tín ngưỡng dân gian có truyền thống lâu đời ở Việt Nam.
Nhiều bài tham luận hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin khoa học, điền dã thực tế từ các loại hình tín ngưỡng, đặc trưng tín ngưỡng, thực hành tín ngưỡng ở các khu vực, vùng miền, nhất là khu vực phía Nam của các cư dân miền Tây Nam bộ thông qua các tham luận của Nguyễn Văn Dũng. Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Lợi, Nguyễn Văn Quynh….
Ngoài ra, những nội dung, chủ đề mang tính thời sự liên quan đến đời sống tín ngưỡng dân gian cũng đã được để cập như: Các biểu hiện lệch chuẩn trong thực hành tín ngưỡng; Các kinh nghiệm quản lý TNTG từ các nước trong khu vực cũng được Bùi Xuân Đính, Nguyễn Ngọc Quỳnh phản ánh trong các tham luận của mình. Những kiến giải về vai trò của tín ngưỡng đối với đời sống xã hội; Tiềm năng phát triển du lịch tâm linh lấy cơ sở tín ngưỡng và thực hành tín ngưỡng như là những sản phẩm du lịch đặc thù cũng được đánh giá thông qua các tham luận của Nguyễn Quang Khải, Nguyễn Ngọc Sơn, Chử Thị Kim Phương…
Với tất cả những khía cạnh, vấn đề đã tóm lược ở trên, có thể thấy rằng tín ngưỡng dân gian Việt Nam là một chủ đề vô cùng hấp dẫn, phong phú và có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhiều phương diện của đời sống xã hội và con người hiện đại. Hy vọng rằng, đây sẽ là cơ sở để hội thảo trao đổi, thảo luận, làm rõ thêm.
Một số hình ảnh trong buổi hội thảo