Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Hội thảo khoa học: ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY: THỰC TRẠNG, BIẾN ĐỔI VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH

22/09/2023
Hội thảo khoa học: ĐẠO CAO ĐÀI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY:  THỰC TRẠNG, BIẾN ĐỔI VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH
Chiều ngày 22/9/2023 tại hội trường Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, biến đổi và gợi ý chính sách”. Hội thảo do Viện nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam kết hợp với Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý tôn giáo địa phương, đại diện chức sắc, chức việc thuộc 09 Hội thánh Cao Đài, 01 Giáo hội và 01 tổ chức Cao Đài độc lập về tham dự; chủ toạ hội thảo gồm PGS, TS. Nguyễn Thanh Xuân – Nguyên Phó ban, Ban Tôn giáo Chính phủ; PGS, TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo; Ông Nguyễn Thanh Kiệt – Trưởng ban, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ.

 

Toàn cảnh làm việc buổi hội thảo khoa học

 

Hội thảo khoa học “Đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng, biến đổi và gợi ý chính sách” nằm trong nhiệm vụ thuộc đề tài cấp bộ 2023-2024 với chủ đề “Đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay” do TS. Nguyễn Thị Quế Hương làm chủ nhiệm.

Sau thời gian tích cực liên hệ và kết nối với các địa phương, các Hội thánh/tổ chức Cao Đài, hội thảo đã nhận được 26 bài viết, chia làm hai chủ đề: 1. Lịch sử hình thành và phát triển của đạo Cao Đài ở Việt Nam; 2. Thực trạng, biến đổi và gợi ý chính sách.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Kiệt - Trưởng ban, Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ cho biết mục đích của hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, đặc biệt là các chức sắc, chức việc thuộc các Hội thánh Cao Đài về các vấn đề như lịch sử, hoạt động tôn giáo, biến đổi và những đề xuất của đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay.

PGS, TS. Chu Văn Tuấn trong đề dẫn hội thảo đã khái quát nội dung các bài viết tham gia hội thảo, mong muốn thông qua hội thảo sẽ đem lại những giá trị khoa học chân thật và hiệu quả, từ đó, đóng góp thêm những dữ liệu cho công tác nghiên cứu, tư vấn các chính sách về đạo Cao Đài nói riêng và tôn giáo nói chung.

Hai phiên hoạt động của hội thảo đã diễn ra sôi nổi với các bài tham luận được Ban tổ chức hội thảo sắp xếp đan xen giữa nhà quản lý, nhà nghiên cứu và chức sắc, chức việc tôn giáo Cao Đài. Ngoài ra, trong phần thảo luận, hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp, bày tỏ của đại diện các Hội thánh/tổ chức Cao Đài như: Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Chơn Lý, Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại Đạo, Giáo hội Cao Đài Việt Nam (Bình Đức), Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh Long Châu, Hội thánh Truyền giáo Cao Đài, Hội thánh Cao Đài Bạch Y v.v...

 

Học giả trình bày tham luận tại hội thảo

 

Sau hơn 3 tiếng diễn ra liên tục, PGS, TS. Chu Văn Tuấn phát biểu tổng kết hội thảo. Theo Phó Giáo sư, các bài tham luận và những ý kiến đóng góp đã đưa ra một bức tranh toàn cảnh về đạo Cao Đài ở Việt Nam hiện nay trên các khía cạnh về lịch sử, niềm tin, thực hành, biến đổi và cộng đồng. Có một số vấn đề được các học giả quan tâm như ngày khai đạo, các giá trị và đóng góp của đạo Cao Đài, đặc biệt, bài viết về chủ đề liên giao của PGS, TS. Nguyễn Thanh Xuân nhận được nhiều sự quan tâm của hội thảo; theo đánh giá, cơ chế liên giao là một cơ chế hợp lý với đạo Cao Đài thể hiện tinh thần “hợp nhất trong đa dạng” của đạo Cao Đài hiện nay.

PGS.TS Chu Văn Tuấn phát biểu tổng kết hội thảo

 

Lời kết, PGS, TS. Chu Văn Tuấn thay mặt Ban tổ chức hội thảo đã gửi lời cảm ơn chân thành tới các nhà khoa học, nhà quản lý tôn giáo, đặc biệt là các chức sắc, chức việc các Hội thánh Cao Đài đã tham dự hội thảo.

 

Ban tổ chức cùng các học giả chụp ảnh lưu niệm

Các tin đã đưa ngày: