Trong Lời chào mừng của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin gửi đến Diễn đàn có đoạn nhấn mạnh thông điệp về sự đóng góp đáng ghi nhận của các tổ chức Phật giáo trong việc duy trì hòa bình, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau trong xã hội cũng như cho sự phát triển đối thoại liên tôn giáo và dân tộc. Trong các lời phát biểu của người đứng đầu Cộng hòa Buryatia cũng như đại diện Phật giáo ở đây đều thể hiện mong muốn chung rằng Diễn đàn là một sáng kiến và nền tảng mới cho đối thoại quốc tế và thảo luận toàn diện về sự phát triển của Phật giáo, văn hóa, triết học, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các tổ chức Phật giáo từ các quốc gia khác nhau. Diễn đàn lần thứ hai này có sự tham dự của đại diện 15 quốc gia gồm Bangladesh, Belarus, Brazil, Bhutan, Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản, và Việt Nam.
Đoàn Việt Nam gồm 04 thành viên: TS. Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách Ban Tôn giáo Chính phủ, PGS.TS. Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ông Lê Quang Anh, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Bang Nga, ông Hoàng Minh Khang, chuyên viên Bộ Nội vụ. PGS.TS. Chu Văn Tuấn, đã trình bày tham luận với chủ đề "Về nhục thân bất hoại của một số nhà sư Việt Nam" tại phiên buổi chiều ngày 13 tháng 8 về Nhục thân bất hoại của Lama XII. Tham luận cho thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp các vị sư sau khi qua đời thân thể không bị huỷ hoại mà vẫn còn nguyên vẹn. Hiện tượng này cũng xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Nga, v.v... Tham luận trình bày kỹ hơn về trường hợp nhục thân bất hoại của ba nhà sư Việt Nam là Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (thế kỷ XVII, chùa Đậu, Thường Tín, Hà Nội), và Hoà thượng Thích Minh Đức (thế kỷ XX, chùa Long Bửu, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi). Tác giả cho rằng hiện tượng nhục thân bất hoại của các nhà sư Việt Nam cũng như các nhà sư trên thế giới, đã gợi ý mối quan hệ giữa việc tu hành Phật giáo, thực hành lối sống Phật giáo không chỉ giúp thay đổi nhận thức, tư duy, trí tuệ mà còn giúp thay đổi cơ thể vật chất của con người. Tham luận đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều nhà nghiên cứu quốc tế về hiện tượng thú vị gọi là "xá lợi toàn thân" đã xảy ra trong giới tu hành Phật giáo ở một số quốc gia khác nhau trên thế giới.
Một số hình ảnh về Diễn đàn