Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

HỘI THẢO KHOA HỌC PHẬT GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC CHĂM

08/11/2023
HỘI THẢO KHOA HỌC PHẬT GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC CHĂM
Sáng ngày 08/11/2023, tại hội trường trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Trong khuôn khổ đề tài khoa học cấp bộ: Phật giáo trong lịch sử dân tộc Chăm ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Tôn giáo chủ trì, Ban chủ nhiệm đề tài tổ chức hội thảo khoa học: “Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm”. Hội thảo nhằm tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về lịch sử Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm, những giá trị di sản, nghệ thuật, văn hóa Phật giáo Champa trên các phương diện như kiến trúc, điêu khắc, tư tưởng, triết lý Phật giáo,… Hội thảo cũng là dịp nhằm tiếp tục chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận về những tư liệu, hiện vật mới liên quan đến Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm. Trên cơ sở những nội dung trên, Hội thảo đề xuất những khuyến nghị nhằm góp phần bảo tồn di sản Phật giáo của dân tộc Chăm trong hiện tại và tương lai.

Như chúng ta đều biết, Phật giáo đã có một giai đoạn du nhập, phát triển khá rực rỡ trong lịch sử cộng đồng dân tộc Chăm, nhưng sau đó đã lụi tàn và bị Bà la môn giáo và Islam giáo đã lấn át, đến ngày nay chỉ còn lại một số dấu tích, những di sản, những hiện vật khảo cổ học nằm rải rác tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Một số di vật đã và đang được lưu giữ tại các Bảo tàng trong nước và một số được lưu giữ tại các bảo tàng nước ngoài. Ngoài ra, còn một số di vật có thể đang được lưu giữ tại cộng đồng, người dân và các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Một số di vật có thể đang ẩn mình trong lòng đất, trong các di tích kiến trúc Phật giáo hay đền tháp Champa.

Hiện nay, cộng đồng dân tộc Chăm không có người theo Phật giáo và đây là một trong những khó khăn lớn cho những nghiên cứu về Phật giáo Champa trong lịch sử. Tuy nhiên, nghiên cứu về Phật giáo Champa đã được quan tâm bởi nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã có nhiều công trình được công bố liên quan đến Phật giáo Champa, nhiều đề tài, Hội thảo khoa học đã được tổ chức đề cập đến nhiều phương diện khác nhau về Phật giáo Champa. Nhưng về cơ bản các nghiên cứu này tập trung nhiều ở khía cạnh văn hoá, khảo cổ học Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo, kiến trúc Phật giáo,... mà chưa có một công trình mang tính tổng quát về Phật giáo Champa, đặc biệt chưa có công trình nào đề cập Phật giáo Champa từ góc độ tôn giáo học. Đây là góc độ tiếp cận và khoảng trống mà đề tài Phật giáo trong lịch sử dân tộc Chăm ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu Tôn giáo chủ trì, TS. Nguyễn Văn Quý làm chủ nhiệm sẽ tập trung khai thác. Mặt khác, với những vị trí, vai trò và những giá trị di sản to lớn mà Phật giáo Champa đã để lại, rất cần có những nghiên cứu để có thể đánh giá một cách đầy đủ hơn, qua đó góp phần làm rõ lịch sử, văn hoá, Phật giáo của dân tộc Chăm nói riêng, của Việt Nam nói chung.

Trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 12 bài tham luận rất tâm huyết, có chất lượng, đây là những báo cáo tham luận của các nhà khoa học, những người có mối quan tâm và kinh nghiệm nghiên cứu, có những hiểu biết sâu sắc về văn hoá, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, khảo cổ học, Phật giáo Champa. Các bài viết không chỉ cung cấp, hệ thống hoá các tư liệu, hiện vật, các di sản của Phật giáo Champa, mà còn trình bày dấu ấn của Phật giáo Champa tại các khu vực, vùng miền (Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Yên, Bình Định, Huế,…). Một số bài viết đã đề cập đến mối quan hệ giao lưu, tiếp biến của Phật giáo Champa với Phật giáo các quốc gia lân cận, như ảnh hưởng qua lại của Phật giáo Champa với Phật giáo Đại Việt. Một số bài đã đề cập đến đặc điểm của Phật giáo Champa, những thành tố của Phật giáo Champa, thực hành của Phật giáo Champa,...

Thông qua các bài tham luận cho thấy, liên quan đến Phật giáo Champa, hiện cả nước ngoài di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương, 02 tượng Phật Thích Ca và Bồ tát Tara đã được công nhận bảo vật quốc gia thì còn có 07 bia ký (trong tổng số 128 bia ký đã được đọc) có nội dung về Phật giáo, trong đó có 04 bia ký là có nội dung hoàn toàn về Phật giáo. Các bài viết cũng cho thấy, do bối cảnh lịch sử, các cuộc chiến tranh giữa Champa và Đại Việt cũng như với các quốc gia khác đã khiến cho văn hoá Champa nói chung, Phật giáo Champa nói riêng có nhiều biến đổi, có sự giao lưu, tiếp biến với văn hoá, Phật giáo của các nền văn hoá khác. Ngay trong chính bản thân vương quốc Champa và cộng đồng người Chăm cũng có sự giao thoa, tiếp biến giữa các tôn giáo, tín ngưỡng: Bà la môn giáo, Phật giáo, tín ngưỡng truyền thống,…

Một số bài viết cho rằng, vẫn còn rải rác nhiều di vật, hiện vật có nội dung liên quan đến Phật giáo Champa đã được các nhà sưu tầm, người dân và cả những cơ sở Phật giáo đang lưu giữ trong dân gian, nhất là những ngôi chùa trên địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn mà chưa được bảo quản, lưu giữ đúng cách, đúng kỹ thuật,… Ngoài ra, chúng tôi cho rằng vẫn còn nhiều hiện vật vẫn còn chưa được phát hiện, nhận diện, đánh giá một cách đầy đủ. Đây chắc chắn là công việc mang tính lâu dài, không chỉ là việc của các nhà nghiên cứu, mà còn là công việc của các nhà quản lý và cộng đồng xã hội.

Hội thảo này tiếp tục góp phần trong qúa trình nghiên cứu, làm rõ về lịch sử, văn hoá, di sản của dân tộc Chăm nói chung, Phật giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng.

Một số hình ảnh trong buổi hội thảo

Các tin đã đưa ngày: