Đánh giá đúng bản chất
- Từ quan sát thực tiễn và qua nghiên cứu, ông nhìn nhận ra sao về bức tranh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay?
- Đó là bức tranh tôn giáo phong phú, sinh động, đa sắc màu. Trước Đổi mới, Việt Nam chỉ có một vài tôn giáo được Nhà nước công nhận, nhưng đến nay đã có 16 tổ chức tôn giáo được công nhận. Những tổ chức tôn giáo đủ điều kiện theo quy định pháp luật đều được xem xét cho đăng ký sinh hoạt. Theo đánh giá của thế giới, Việt Nam có mức độ đa dạng tôn giáo thuộc dạng hàng đầu, có nhiều loại hình tôn giáo, nhiều hình thức sinh hoạt tôn giáo khác nhau, thể hiện một điều rằng người dân, tín đồ được bảo đảm quyền tự do sinh hoạt tôn giáo của mình.
Theo PGS. TS. Chu Văn Tuấn: "Luật pháp về tôn giáo ở nước ta đã tiến bộ, song vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi những điểm bất cập, không còn phù hợp". Ảnh: Thái Minh
- Nhưng trong bức tranh tôn giáo phong phú và sôi động ấy cũng đang nảy sinh không ít hiện tượng tôn giáo mới, phức tạp, thách thức các cơ quan quản lý nhà nước?
- Thực tế, sự đa dạng tôn giáo ở Việt Nam chính là kết quả của sự du nhập, giao thoa, dung hợp giữa những hình thức tôn giáo hình thành ở trong nước và các loại hình tôn giáo đến từ nền văn hóa khác, quốc gia khác. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục được nâng cao. Sự đa dạng ấy là tốt, giống như văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng càng đa dạng, đời sống tinh thần của người dân càng phong phú. Tuy nhiên, điều đó cũng tiềm ẩn những vấn đề phức tạp.
Sự xuất hiện của những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới là một dấu hiệu cho thấy xã hội đang thiếu vắng yếu tố bồi đắp đời sống tinh thần con người. Hiện tượng tôn giáo mới mang lại những điều mà người ta không tìm thấy ở tôn giáo đang có, thu hút người ta ở chính điểm khác biệt đó. Vì vậy, đối với các hiện tượng tôn giáo mới không nên vội phán xét mà cần quan sát, đặt những câu hỏi để đi tới quyết định chấp nhận, dung hòa hay cương quyết dẹp bỏ.
- Làm thế nào để nhận diện bản chất của các hiện tượng tôn giáo mới như ông vừa nói?
- Đời sống xã hội luôn vận động, làm nảy sinh liên tục nhu cầu về mặt tâm linh, tinh thần. Trong vô vàn hiện tượng tôn giáo mới, có hiện tượng đem lại lợi ích sức khỏe thể chất và tinh thần cho con người; có hiện tượng trái với thuần phong, mỹ tục, trái với truyền thống văn hóa dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia... Có hiện tượng tôn giáo mới không những không đem lại lợi ích cho con người mà còn cổ súy mê tín dị đoan, làm con người mụ mị, thậm chí khiến con người cuồng tín. Có hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi hoặc núp bóng tôn giáo để vi phạm pháp luật… Do đó, tất cả hiện tượng tôn giáo mới phải được nhìn nhận đúng bản chất để phân loại, có cách ứng xử phù hợp, không đánh đồng hiện tượng tôn giáo mới là tà đạo, hoặc thấy lạ là cấm, ngăn chặn.
Để nhận diện bản chất của các hiện tượng tôn giáo mới, chúng ta cần trả lời một số câu hỏi cụ thể. Chẳng hạn, giáo lý của nó có trái với thuần phong mỹ tục hay không? Có vi phạm đạo đức không? Có tính chất chống phá Đảng, Nhà nước không? Có ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và gây tổn hại đời sống người dân, cộng đồng hay không? Có ảnh hưởng đến an ninh trật tự, có làm tổn hại đến tài sản, quyền lợi chính đáng của người dân hay không?… Những yếu tố căn bản này cần đặt ra khi đứng trước bất kỳ hiện tượng tôn giáo mới nào.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật
- Từ quan sát thực tiễn thời gian qua, ông nhận định ra sao về cách thức ứng xử đối với các hiện tượng tôn giáo mới ở Việt Nam?
- Tôi cho rằng, Nhà nước ta ngày càng bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo. Các tôn giáo bình đẳng với nhau và bình đẳng trước pháp luật. Do vậy, đối với những hiện tượng tôn giáo mới, dù chưa được công nhận nhưng nếu không vi phạm thuần phong mỹ tục, không ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, bảo đảm các điều kiện theo quy định... chúng ta vẫn cần phải tôn trọng.
Thực tế đời sống sinh hoạt tôn giáo của người dân rất tự do, bà con được bảo đảm cơ sở để thực hành tôn giáo của mình. Kể cả ở những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, miền Trung, những nơi tôi đã đến, bà con đều sinh hoạt tôn giáo hoàn toàn tự do miễn là chấp hành đúng chính sách, pháp luật nói chung và chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng.
- Nếu đứng trước hiện tượng tôn giáo mới có nguy cơ gây tổn hại đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, theo ông, giải pháp cần triển khai ngay là gì?
- Ở đây phải xác định rõ ràng và thống nhất với nhau rằng, những hiện tượng đó không phải tôn giáo. Đã là tôn giáo thì luôn hướng thiện, khuyên người ta làm lành lánh dữ, thực hành đạo đức, nhân văn, đáp ứng đời sống tinh thần phong phú của con người. Còn những hiện tượng gây tổn hại đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội là một dạng cuồng tín, tuyệt đối không thể coi là tôn giáo.
Một khi chúng ta xác định như vậy, quan trọng đầu tiên là tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân biết bản chất của hiện tượng tôn giáo mới đó. Truyền thông chính thống là kênh hữu hiệu góp phần ngăn chặn sự lây lan, ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân và cộng đồng. Song song với đó, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc, nắm bắt thông tin, xác minh bản chất, cách thức hoạt động của hiện tượng để kịp thời đưa ra biện pháp xử lý theo pháp luật.
- Nhưng rõ ràng, để giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo không đơn giản, nhất là khi các tổ chức nhân danh tôn giáo ngày càng có những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước?
- Những năm qua, cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tà đạo. Tuy nhiên, công tác này tồn tại hạn chế nhất định. Thực tế, đứng trước một số hiện tượng tôn giáo mới chúng ta còn lúng túng, chưa nhất quán trong cách ứng xử. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là sau khi nhận diện được bản chất của hiện tượng tôn giáo mới, khẳng định đó không phải tôn giáo đúng nghĩa mà mang danh nghĩa tôn giáo, mê tín dị đoan, gây ra những tác động tiêu cực đến cá nhân, gia đình và xã hội, phải có quan điểm thống nhất, rõ ràng, quán triệt cách xử lý với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, tránh trường hợp địa phương này làm chặt chẽ, địa phương khác lại lỏng lẻo.
Về lâu dài, cần những giải pháp thực sự căn cơ. Luật pháp về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta đã tiến bộ, song vẫn cần tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi những điểm bất cập, không còn phù hợp, những điểm chưa bắt kịp tình hình thực tiễn.
- Xin cảm ơn ông!