Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Lập pháp để bảo vệ các cộng đồng thiểu số và tự do tôn giáo: Sự cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ cơ cấu xã hội của nhà nước và sở nguyện cá nhân. Bài viết của TS. Toh See Kiat, tại Hội thảo Quốc tế: Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á 9/2006 tại Hà Nội.

20/01/2015
Legislating to Protect Minorities and Religious Freedom: The Balance Between the State's Need to Preserve the Social Fabric and Individual Preferences by Dr Toh See Kiat. Paper for the international conference on ‘Beginning the Conversation: Religion and Rule of Law in Southeast Asia’, 8 - 9/9/2006 in Hanoi, Vietnam

A.   GIỚI THIỆU

Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo. Dân số[1] gồm 4 triệu người với 77% là người Trung Quốc, 14% Ma Lay, 8% Indonesia và những dân tộc có nguồn gốc Nam Á khác và 1% là các cộng đồng dân tộc thiểu số như Eurasians (lai Á - Âu), Arabs (Arập), Bồ Đào Nha, Parsis và Armenians. Có khoảng 750,000[2] người nước ngoài thuộc rất nhiều các quốc tịch khác nhau ở Singapore - chủ yếu là người Mỹ, Anh, Úc, Nhật, Malaysia, Philippin, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và số người đến từ Châu Phi đang ngày càng gia tăng.

Hiến pháp của Cộng hoà Singapore[3], bộ luật tối cao ở Singapore, quy định rằng những ngôn ngữ chính thức là Mã lai, tiếng Quan Thoại, Tamil (ngôn ngữ Nam Ấn) và tiếng Anh[4]. Không có sự phân về biệt chủng tộc, về tôn giáo và cách diễn tả niềm tin cá nhân là các quyền cơ bản của mọi cư dân Singapore nhưng không có tôn giáo nhà nước[5]. Tự do tôn giáo bao gồm quyền được thực hành và truyền giáo.

Về mặt chính trị, Singapore là một nhà nước thế tục –  nhưng để tạo ra sự sự thuận tiện về hành chính, các bộ phận chức năng của Nhà nước trong đó có bộ phận tôn giáo[6] sẽ có quan hệ với các đại diện của 10 tôn giáo chủ lưu ở Singapore. Những tôn giáo này là: Phật giáo (tôn giáo chiếm đa số)[7], Đạo giáo, Islam giáo, Ki tô giáo, Hindu giáo, đạo Xích (Sikhism), Do Thái giáo, đạo Baha’i, Bái hoả giáo (Zoroastrianism) và đạo Jana (Jainism). Những tôn giáo này là đại diện trong Tổ chức liên tôn giáo (Inter-Religious Organisation[8]), một tổ chức dân sự thúc đẩy hài hòa liên tôn giáo ở Singapore.

Người Hoa chủ yếu theo đạo Phật[9] nhưng số tín đồ theo Kitô giáo cũng khá đáng kể; người Ma Lay chủ yếu là tín đồ Islam giáo; người Ấn Độ[10] chủ yếu theo Hindu giáo, nhưng cũng có nhiều người là tín đồ Islam giáo, Ki tô giáo hay thực hành các tôn giáo khác như là đạo Xích và đạo Jana. Người lai Âu-Á đa phần theo Công giáo. Các tôn giáo khác có mặt ở Singapore gồm Khổng giáo, đạo Mormon, Moralism[11], Sai Babaism[12], và vật linh giáo (animism)[13]. Mặc dầu không được công nhận chính thức như các hội đoàn, Giáo hội thống nhất (Unification Church (“Moonies”)) và Nhân chứng Jehovah cũng có mặt. Điều này là vì chính phủ Singapore không ngăn cản các nhóm này tổ chức hội họp một cách yên ổn tại tư gia miễn là không tổ chức hội họp ở nơi công cộng nhiều hơn 4 người. Danh sách các tôn giáo còn dài, vì các tôn giáo mới (và giáo phái của các tôn giáo đã được thừa nhận[14]) liên tục xuất hiện.

Con người về bản chất là sẽ nghi ngờ người lạ mặt và người khác biệt với mình. Những tình huống nhạy cảm đôi khi vô tình diễn ra khi các nền văn hóa giao thoa. Điều gây xúc phạm đến một nền văn hoá hay tôn giáo này có thể lại hoàn toàn không ảnh hưởng gì đối với một nền văn hoá hay tôn giáo khác. Trong một xã hội đa văn hoá và đa tôn giáo như Singapore, trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ luật pháp và trật tự trở thành đặc biệt khó khăn do những xu hướng nhân văn như vậy.[15] Nhà nước phải thực thi trách nhiệm này một cách công bằng và bình đẳng. Cái nhà nước trao cho một tôn giáo cụ thể thì cũng phải trao cho các tôn giáo khác. Chẳng hạn trong các thị trấn mới lập, Nhà nước đều dành một phần đất để cho xây dựng các cơ sở thờ tự. Tuy nhiên, vì đất có hạn, Nhà nước không thể chu cấp bất cứ cái gì theo yêu cầu của mọi tôn giáo. Do đó, Nhà nước phân bổ đất dựa trên cơ sở của quá trình đấu giá và tất nhiên người trả cao nhất sẽ dành trọn phần đất đai. Thường trong mỗi thị trấn mới sẽ phân một mảnh đất cho các tôn giáo chính như Phật giáo/ Đạo giáo, Hidu giáo, Kitô giáo và Islam (có ngoại lệ cho Islam giáo vì chỉ có một cơ quan có thẩm quyền xây dựng thánh đường), các nhóm tôn giáo lần lượt đấu giá cho phần đất dành cho họ. Ngược lại, điều mà nhà nước từ chối đối với một tôn giáo thì cũng phải từ chối với các tôn giáo khác – không kể những lí do chính đáng để loại trừ trong cả hai tình huống. Do đó, mọi hoạt động tôn giáo bị cấm trong các trường công - nhưng không cấm trong các học viện cao hơn, nơi sinh viên được phép điều hành các nhóm hay câu lạc bộ tôn giáo của riêng họ.

Tuy nhiên, Nhà nước thế tục không có nghĩa vụ phải quyết định hoạt động thực hành tôn giáo nào thì được phép và không được phép, cũng như tôn giáo nào thì được ưu tiên. Bên cạnh đó, sự đảm bảo của hiến pháp về tự do tôn giáo sẽ ngăn ngừa những hành động như thế của nhà nước. Tuy nhiên, chắc chắn có những tình huống mà tự do tôn giáo – cũng như mọi tự do khác - cần phải được hạn chế khi nó đụng chạm đến tự do của lĩnh vực khác. Như đã nói ở đâu đó, nắm đấm của anh được vung tự do nhưng nó phải dừng trước khi vào chạm mũi của tôi.

Thế thì nhà nước làm thế nào để đạt được sự cân bằng này? Bài viết này nghiên cứu tình hình ở Singapore và thảo luận về việc làm thế nào chính phủ nỗ lực đạt lấy sự cân bằng này.[16] Bài viết sẽ kết luận với bảng liệt kê vài nguyên tắc mà Nhà nước có thể áp dụng để đạt được sự cân bằng.

B.   ĐẶC TÍNH CỦA CÁC TÔN GIÁO THIỂU SỐ

Như đã nói trên, tôn giáo có số tín đồ đông nhất ở Singapore là Phật giáo. Tôn giáo này dựa vào lời dạy của một hoàng tử Ấn Độ, Tất Đạt Đa, người thành lập tôn giáo này khoảng thể kỉ VI trước Công nguyên. Ở Singapore, Phật giáo ban đầu là sự phát triển thêm của Hindu giáo, tôn giáo của một nhóm thiểu số ở Singapore, và bao gồm các khái niệm lúc đầu được truyền đạt trong Hindu giáo – như là nghiệp (karma[17]), hay Niết bàn (nirvana)[18] và sự luân hồi. Đã có lúc, trong một xã hội khác, tôn giáo này là một tôn giáo thiểu số. Trong thực tế, Phật giáo từng là tôn giáo thiểu số ở  Singapore[19].

Thực ra sẽ vô nghĩa nếu ta phân loại đâu là một tôn giáo thiểu số trong một xã hội đa sắc tộc, đa tôn giáo và thế tục. Ngay trong bản thân Phật giáo, có những môn phái khác nhau với những tín ngưỡng không phải lúc nào cũng tương thích với các môn phái còn lại. Có những trường phái chính như Đại thừa (Mahayana), Tiểu thừa (Theravada) và Vajrayana (Phật giáo Tây Tạng). Ngay trong Phật giáo Đại thừa lại có các chi phái như Thiền ở Nhật Bản và Phật giáo dân gian Hoa Nam nơi có nhiều người Hoa di cư đến đến Singapore. Phật giáo Theravada ở Sri Lanka lại khác với Phật giáo Theravada ở Thái Lan. Theravada Thái Lan ở mức phổ biến nhất lại thấm đẫm sự thờ cùng thần thánh Hindu Brahman với thuyết vật linh.

Do đó, tuỳ thuộc cách hiểu mỗi người, Phật giáo có thể có những ý nghĩa rất khác nhau với những người khác nhau – và những con số sẽ giảm đi  tới mức mà ngay trong một tôn giáo chính, có những nhóm cảm thấy mình như là tín đồ của một tôn giáo thiểu số.

Một nhà nước thế tục đã được khai sáng sẽ không cố gắng xác định tôn giáo là thuộc đa số, tôn giáo nào thuộc thiểu số - bởi vì điều này luôn luôn có nghĩa là nhà nước phải liên đới trong việc thừa nhận đâu là những niềm tin cốt yếu của bất cứ tôn giáo cụ thể nào để quyết định số lượng tín đồ của nó. Thêm vào đó, một thành viên của một nhóm dân tộc chiếm đa số, chẳng hạn như người Hoa ở Singapore, có thể thực hành các tôn giáo mà phần đông nhóm kiều dân này không thực hành. Do đó, số lượng người Trung Quốc ở Singapore là tín đồ Hindu giáo, Islam giáo và Baha’i tương đối ít. Cũng cần phải bảo vệ quyền của các nhóm dân tộc thiểu số trong đất nước để họ có thể thực hành tôn giáo đã chọn. Nếu được như thế, sự bảo vệ chung về tự do lựa chọn tôn giáo là đủ. Một cách tiếp cận như thế của Nhà nước (và các bộ luật của nó) sẽ bảo vệ các cộng đồng thiểu số trong các trạng huống đã nói ở trên.

Tuy nhiên, có thể có những thực hành tôn giáo có thể gây khó chịu cho các tôn giáo khác được Nhà nước bảo hộ. Sự ngược đãi hay không khoan dung đối với tín đồ của các tôn giáo khác thường xuất phát từ sự hiểu nhầm về bộ phận người không có tín ngưỡng, tôn giáo; sự thờ ơ của các tín đồ tôn giáo đối với những nhu cầu chính đáng của người khác; và xu hướng tự nhiên của con người xem những ai khác mình đều đáng ghét.

Lợi ích của nhà nước trong việc duy trì luật pháp và trật tự là để khuyến khích sự hiểu biết lẫn nhau,[20] thu hẹp phạm vi các lĩnh vực có xích mích[21] – và trong các trường hợp cực đoan, để cấm hoặc hạn chế những lối ứng xử vô ý hay khiêu khích bằng sự cưỡng chế của pháp luật[22].

C. Những vấn đề các tôn giáo mới gây ra

Một số người tin vào Thượng đế còn một số khác thì không – và có những tôn giáo không có khái niệm về thần thánh bất kể tên của nó là gì. Một số tôn giáo là độc thần, trong khi có các tôn giáo đa thần. Cũng có những tôn giáo chỉ là các học thuyết triết học mà người sáng lập ra nó được sùng kính và có những tôn giáo chỉ là cái bóng hoặc chi phái của các tôn giáo đã tồn tại.

Con người chỉ là sinh vật trên mặt đất cố gắng để hiểu về môi trường xung quanh nơi mình sống và suy đoán về những thứ vượt lên trên cuộc sống này và những thế lực mà nó không thể kiểm soát hay quan sát được. Tựa như có một khoảng trống tâm linh ở bên trong mà nó cần phải lấp đầy - hoặc là bằng một tôn giáo, hoặc một hệ niềm tin phủ nhận vị trí của tôn giáo hay thần thánh - hoặc là khoảng trống đó cũng rất phong phú trong việc tìm kiếm cách giải thích về môi trường, về bản chất của con người và những tham vọng của con người cũng như mục đích của sự tồn tại. Các lí giải không bao giờ thoả mãn đối với tất cả mọi người. Điều này luôn dẫn tới việc hình thành các tôn giáo mới.

Khi một tôn giáo mới giải thích lại một tôn giáo cổ xưa thì tính chính thống bị thách thức. Tính chính thống do đó phải ứng bằng cách bảo vệ mình hoặc tấn công vào niềm tin tôn giáo mới. Thậm chí khi một tôn giáo mới không giải thích lại một tôn giáo cổ xưa mà lại đe doạ thu hút tín đồ của một tôn giáo truyền thống – các phản ứng tương tự cũng có thể diễn ra. Mọi phản ứng này sẽ chỉ được làm trầm trọng thêm nếu tôn giáo mới tìm cách làm suy yếu và phỉ báng tôn giáo cũ dù là cố tình hay do hiểu nhầm. Mối quan tâm của Nhà nước trong một trạng huống đa tôn giáo là để đảm bảo rằng những trao đổi ý kiến và đối nghịch tư tưởng vẫn ở mức độ chấp nhận được và nằm trong biên độ tự tranh luận một cách tự do và văn minh. Trong trường hợp cực đoan, nhà nước phải hành động để ngăn cấm bất cứ phương cách nào vi phạm hay biện hộ cho xu hướng bạo lực.

Một số tôn giáo mới được thành lập không chỉ để thách thức các niềm tin tôn giáo chính thống, mà còn thách thức các chính sách hay giá trị đã hình thành một cách ổn định. Chúng không làm điều này một cách rõ ràng, nhưng qua việc biện hộ cho các niềm tin và giá trị đối nghịch với cái mà số đông xã hội tin tưởng. Thay vào đó, hoặc thêm vào đó, chúng có thể có các hệ giá trị đe dọa an ninh, ổn định và hài hoà xã hội. Thường là các chính phủ cảm thấy bị đe dọa bởi những niềm tin mới như thế bởi những tác động tiềm ẩn về kinh tế và chính trị.[23]

Cũng có khó khăn trong việc quyết định cái gì là một tôn giáo, cái gì không phải là tôn giáo. Các hệ niềm tin như Wicca, New Age, Reiki và Freemasonry có những thực hành và nghi lễ tương tự tôn giáo - những vẫn được coi là những hình thức “cận tôn giáo” đôi khi vì chúng thiếu một hay vài điều vốn được coi là những những yếu tố căn bản của một tôn giáo.

Bên cạnh các hệ thống niềm tin có vẻ gần như là tôn giáo – lại có những hệ thống khác tự nhận mình là các chi nhánh của một tôn giáo đã hình thành, mặc dầu bản thân tôn giáo đó đã phủ nhận mọi sự hợp tác và thừa nhận nó. Các tôn giáo sau này thường được xem là “giáo phái”. Ahmaddiyyas cũng được các tín đồ Islam giáo liệt vào loại "giáo phái"; Pháp Luân công được xem là "giáo phái" bởi một số nhóm Phật giáo, trong khi tín đồ Kitô giáo nói chung xem Unification Church, Mormons và Nhân chứng Jehovah như là các giáo phái phát sinh từ “Kitô giáo”.

Nhà nước không có nhiệm vụ cũng không có vai trò trong việc can dự và phân xử những vấn đề như thế. Nhà nước phải cho phép những vấn đề này bởi chúng cũng mang nhiều hình thức diễn đạt như các quyền tự do khác - một sự tự do diễn đạt và tự do kết giao với những người có cùng suy nghĩ – thậm chí nếu việc tụ tập hay thể hiện không đến mức như của một tôn giáo. Miễn là các quyền tự do được thực thi mà không làm tổn hại hay kích động hoà bình và trật tự - Nhà nước thế tục phải duy trì một khoảng cách để tôn trọng.

Trong một nền dân chủ chín chắn, Nhà nước không phải sợ những quan điểm phi chính thống và chống đối truyền thống vốn có thể phá hoại cơ cấu xã hội. Sở dĩ như vậy là bởi vì quyền tự do diễn đạt sẽ bảo đảm ý kiến của các nhóm tôn giáo này được trình bày đầy đủ và những khuyết thiếu của chúng được nêu rõ.[24] Hơn nữa, những chính phủ dựa theo cảm hứng tôn giáo trong một nhà nước được thiết lập theo hiến pháp không thể tồn tại lâu dài nếu như họ không xứng đáng với sự ủng hộ của đa số quần chúng (dù cho ngẫu nhiên những nhà hoạt động tôn giáo có một ưu thế tạm thời trên sân khấu chính trị). Những nhà hoạt động tôn giáo cuối cùng sẽ biểu lộ sắc thái thực sự của họ và sẽ bị đẩy ra ngoài trong những cuộc bầu cử tiếp theo.

Mặt khác, trong một nền dân chủ còn non yếu, sự chắc chắn này có thể không tồn tại hoặc không được kiểm chứng. Do đó, các chính phủ có thể mắc sai lầm vì thiếu thận trọng và có xu hướng phản ứng bằng cách hạn chế tự do của các nhà hoạt động tôn giáo nói trên khi họ thực hành tôn giáo của mình. Các xã hội có thể quá dễ tổn thương nên không qua khỏi cuộc tranh luận mạnh mẽ vốn là cái cũng có thể làm cho xã hội bị chia tách. Điều này lí giải sự nhất quán của chính phủ Singapore rằng chính trị cần phải là lĩnh vực của riêng các chính khách. Các chức sắc tôn giáo và người có tôn giáo được phép tham gia vào các lĩnh vực chính trị và thách thức chính phủ ở chính trường - để đảm bảo họ không được phép đứng sau bục giảng kinh để kín đáo thể hiện các quan điểm chính trị dưới hình thức niềm tin tôn giáo. Tương tự như thế, các nhà báo viết tin và bình luận về chính khách – nhưng nếu họ không phải là người Singapore[25], họ không có quyền tự do hoàn toàn để bình luận về chính trị của Singapore nếu không cho chính phủ quyền trả lời đầy đủ và mạnh mẽ.

Phần nhiều thì quan điểm này là không thể chấp nhận được trong các nền dân chủ trưởng thành ở Châu Âu và Mỹ, một quan điểm được các nền dân chủ phát triển xem như một điều xấu. Tôi sẽ lí giải quan điểm của Singapore về vấn đề này trong mục E dưới đây.

D. LUẬT VỀ TÔN GIÁO VÀ ĐIỀU CHỈNH LUẬT VỚI CÁC TÔN GIÁO THIỂU SỐ

Các tôn giáo đều khác nhau. Nhà nước thế tục không ủng hộ hay khuyến khích bất cứ tôn giáo cụ thể nào. Nếu nhà nước bảo vệ hay ủng hộ nguyên trạng, điều này thường sẽ được xem như là sự ủng hộ với tôn giáo của đa số dân chúng, hoặc của sắc tộc chiếm đa số. Ở các quốc gia không có tôn giáo nào thực sự chiếm vai trò chủ đạo, có thể có một nguyên trạng trong tôn giáo đã tồn tại lâu nhất trong đất nước, và do đó là một dạng thức của tôn giáo đã được thiết lập.

Ở nơi mà luật pháp và hiến pháp cho phép tự do lựa chọn về tôn giáo, nhà nước phải làm rõ rằng sự hỗ trợ nguyên trạng không có nghĩa là nhà nước sẽ đứng ngoài những tranh cãi phát sinh hay đang diễn ra giữa các tôn giáo và giữa các chức sắc của các tôn giáo. Những khác biệt lập pháp hay khác biệt có thể giải quyết theo luật cần được giải quyết theo cả một quá trình lập pháp tương ứng. Những khác biệt khó được giải quyết cần phải được xử lí một cách thân thiện bằng các quá trình ngoài pháp lí, chẳng hạn như trung gian hoà giải.

Tuy nhiên, cần ngăn chặn bất đồng tôn giáo có nguy cơ đe dọa hoà bình và uy quyền của nhà nước trước khi chúng bùng phát thành bạo lực. Các khác biệt tôn giáo gắn với thần học và triết học không là các vấn đề nhà nước cần quan tâm và tìm hiểu. Vị thế pháp lí duy nhất mà nhà nước có thể có là khuyến khích khoan dung và thậm chí là sự chấp nhận rằng tôn giáo đối nghịch có quyền tồn tại và quảng bá quan điểm của nó một cách công bằng và không gây kích động.

Để khuyến khích khoan dung và hoà thuận, nhà nước có cần điều chỉnh luật pháp sao cho sự khác biệt của mọi người đều được tôn trọng và thừa nhận không? Tôi tin là điều này cần thiết, và có thể thực hiện được. Chẳng hạn có những tôn giáo từ chối việc chăm sóc y tế ở bệnh viện. Trong khi đó một nhà nước không thể từ chối việc chăm sóc y tế từ ngân sách công cho bất cứ người dân nào, nhà nước ấy cũng không cần thiết phải xin lỗi nếu nhà nước điều hành việc chăm sóc y tế theo cách không xem xét đến yếu tố tôn giáo – thì vẫn có không gian để nhà nước nói rằng ai cũng có thể chọn lựa việc không cần chăm sóc y tế, dù vì lí do tôn giáo hay không vì lí do tôn giáo. Trong các lĩnh vực như thế, nhà nước sẽ xuất hiện không đúng chỗ nếu thực thi sự ép buộc.

Một ví dụ khác: một số tôn giáo cho vấn đề khăn trùm đầu của phụ nữ là vấn đề của đức tin, hoặc coi trọng việc tang lễ. Những quan điểm có tính tôn giáo này có thể đi ngược lại quan điểm của công dân thuộc đa số. Thực tế, quan điểm của thiểu số thậm chí có thể làm đa số e sợ về mặt tinh thần. Người ta có thể chấp nhận nhà nước thoải hiệp với các nhóm tôn giáo thiểu số trong khi vẫn phải đảm bảo rằng luật về sức khoẻ công tối thiểu và vấn đề an toàn là cơ bản phù hợp với đa số. Trừ phi an ninh quốc gia bị đe doạ, thì những sự thỏa hiệp với các lập trường chủ lưu phải được tuân theo.

Không phải tôn giáo mới hay tôn giáo thiểu số lúc nào cũng gây chú ý theo con đường không có tổ chức. Chẳng hạn, một tôn giáo chủ lưu đã thiết thành như Ki tô giáo thực sự dạy tín đồ của nó tuân thủ nhà nước và pháp luật, để sống hòa bình với mọi người dân và tôn trọng các cơ quan công quyền.[26] Tuy thế, một chức sắc tôn giáo có thể nổi lên khi ông ta thuyết minh sai các lời dạy; hoặc thuyết giáo điều ngược lại đối với chính những gì mà ông ta lẽ ra phải trình bày.

Nếu thính giả của ông ta vẫn gắn bó với nhà nước, thì nhà nước phải chịu một điều bất công vì không có quyền hồi đáp. Diễn đàn tranh luận là ở quảng trường công nhưng thực ra cuộc tranh luận lại một chiều và không bao giờ chịu ra khỏi ranh giới riêng tư của nhà thờ là nơi rao giảng. Thậm chí nếu các quan điểm của một vị chức sắc tôn giáo biểu lộ tại nơi công cộng, ông vẫn có thể trình bày các bài nói chuyện của mình như những lời rao giảng tôn giáo mà nhà nước không nên can thiệp vào. Ở đây, nhà chức sắc tôn giáo đang yêu cầu các nhà lãnh đạo chính trị đứng bên ngoài lĩnh vực của mình, còn ông ta lại tự cho mình tự do thể hiện trên sân khấu của các chính khách. Điều này giống như một cầu thủ bóng đá đến sân bóng bầu dục và khăng khăng rằng họ chơi bóng bầu dục theo nguyên tắc của bóng đá.

Mối nguy hiểm ở đây là các nhà chức sắc tôn giáo thường có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các tín đồ và hiếm khi bị tín đồ chất vấn khi họ bắt đầu hành động thiếu trách nhiệm. Hiểm hoạ như thế rất hiện thực trong các nền văn hoá ở Châu Á nơi sự tôn trọng người thầy hoặc sư phụ là phổ biến, và nơi rất khó cho nhiều người có trình độ học vấn thấp, hay thiếu thông tin thực hiện những lựa chọn khôn ngoan và những phê phán về cái họ được nghe. Các quan điểm trái chiều thì có thể xuất hiện ở mọi thứ, nhưng khi những quan điểm này tìm cách phá hoại nhà nước hoặc là phản lại lợi ích các tín đồ tôn giáo thì nhà nước tất yếu phải can thiệp. Sự lạm dụng đã diễn ra với trường hợp giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật Bản hay Waco ở Texas, Mỹ. Những trường hợp như thế cần phải bị bóp chết từ khi còn trứng nước – hay cương quyết triệt hạ - trước khi chúng này gây nguy hiểm cho nhân dân và lợi ích chung của đất nước.

Khi một nhóm tôn giáo đã đạt đến mức độ phát triển tinh vi, việc đối phó với nhóm đó cần phải trên cơ sở kinh nghiệm và kiến thức học được từ các quốc gia khác. Tôi rất vui khi bình luận về những nỗ lực của Việt Nam trong tổ chức hội thảo này vì thế chúng tôi có thể trao đổi các quan điểm và kinh nghiệm hữu hiệu cho sự học hỏi lẫn nhau vì lợi ích của mọi quốc gia thành viên tham gia. Tôi trân trọng đề nghị rằng các quốc gia phải đối xử các trường hợp đó với sự kiên nhẫn và nhẹ tay khi có thể - và phát triển một hệ thống nơi các niềm tin tôn giáo mới có nguy cơ gây hại có thể được ngăn chặn từ sớm. Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại là chính phủ có lẽ không nên đóng vai trò trực tiếp trong vấn đề này. Đó là vai trò cần được thực thi bởi các chuyên gia về tôn giáo là những người có trình độ chuyên môn và không thiên kiến trong các quan điểm của mình. Tôi thấy Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam - người chủ trì cuộc hội nghị này đang thể hiện vai trò như thế.

E. THÁI ĐỘ CỦA LUẬT PHÁP SINGAPORE VỚI CÁC TÔN GIÁO MỚI VÀ THIỂU SỐ[27]

Nhà nước Singapore không cấm hoạt động bất cứ một nhóm tôn giáo nào, miễn là các tôn giáo đó đăng kí rõ ràng như những hội đoàn theo Điều khoản hội đoàn (áp dụng cho mọi hình thức tụ tập, bất kể lí do và mục đích) hay như các công ty theo Điều khoản công ty (áp dụng cho mọi tổ chức, thương mại hay phi lợi nhuận[28]). Nhân chứng Jehovah biện hộ cho việc tín đồ của nó từ chối làm nghĩa vụ quân sự[29]. Họ là một trong 2[30] nhóm tôn giáo duy nhất bị cấm hoạt động[31] - không đơn giản vì các lí do tôn giáo, mà vì họ từ chối phục vụ nghĩa vụ với quốc gia[32]. Đây là một biện pháp để đảm bảo mọi công dân được đối xử bình đẳng và công bằng và cùng thực hiện nghĩa vụ của mình không có ngoại lệ gì[33].

Chỉ có ba luật mà ở mức độ nào đó hạn chế việc thể hiện tôn giáo một cách tự do là luật về tội phỉ báng,[34] Điều khoản Duy trì hoà hợp tôn giáo,[35] và Điều khoản về Xuất bản phẩm ngoài mong muốn.[36] Ở Singapore, Điều khoản Nổi loạn cũng được dùng để giải quyết những người phân biệt chủng tộc và cuồng tín tôn giáo vốn tin theo các quan điểm có tính phỉ báng trên các trang nhật kí cá nhân trực tuyến.[37]

Các điều chỉnh được thực hiện trong nhiều khu vực để đáp ứng các nhu cầu và niềm tin của các tôn giáo thiểu số. Dưới đây là vài ví dụ.

Tín đồ Islam giáo được phép dùng luật Syariah[38] như là luật riêng trong các vấn đề về hôn nhân, tang lễ, di chúc và thừa kế và chăm sóc trẻ em.[39] Vì Singapore thiếu đất, chính phủ khuyến khích các gia đình hoả thiêu thay vì chôn cất người đã qua đời. Tuy thế, đối với các tín đồ Islam giáo, Do Thái giáo và các tôn giáo khác vốn cấm hoả thiêu[40], họ được phép chôn người qua đời với chi phí thấp hơn so với các tôn giáo không cấm hoả thiêu. Người theo đạo Xích được phép giữ khăn đội đầu mặc dầu phần đông dân số còn lại phải đeo mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Người đàn ông theo đạo Xích phục vụ trong các lực lượng mặc đồng phục như là Quân đội hay Cảnh sát được phép đưa khăn đội đầu vào đồng phục thay vì mặc quần áo đồng phục theo quy định.[41]

Một ví dụ khác: Trong khi Toà án đòi hỏi xác nhận bằng lời thề, luật pháp chấp nhận rằng các tôn giáo ngoài Ki tô giáo (thậm chí vài tín đồ Kitô giáo) không thề trước một thực thể thần thánh – và do đó cho phép cách tuyên thệ khác để có cùng hiệu quả như với một lời thề.[42] Các ví dụ về những ngoại lệ như thế và các điều chỉnh có rất nhiều trong các luật và chính sách của Singapore, nhưng tôi hi vọng những ví dụ trên đủ để nói lên sự điều chỉnh của nhà nước để đảm bảo rằng những người thực hành tôn giáo không bị ép buộc vào các tình huống mà họ phải phản bội lại tín ngưỡng của chính họ bởi vì những sự cứng rắn của nhà nước.

A.   KẾT LUẬN

Tôi không nói rằng Singapore đã đạt được sự cân bằng hoàn hảo – hay thậm chí là áp dụng các chính sách luôn nhất quán. Cái tôi hi vọng là tôi đã chỉ ra rằng một nhà nước thế tục hoàn toàn có thể cho phép tự do của sự lựa chọn của người đã trưởng thành về tôn giáo trong một xã hội đa dân tộc mà không thiên vị một tôn giáo nào. Nếu những điều chỉnh đối với luật, các quy định và chính sách là cần thiết, chúng có thể được áp dụng vào các tình huống mà nếu làm khác đi sẽ là nhà nước đang ép buộc những người có tôn giáo bất tuân thủ quy định bắt buộc trong tôn giáo của họ.

Trong trường hợp Nhà nước phải quyết định nếu một quy định là bắt buộc hay không, - nhà nước vẫn không được đơn thuần xét xử mà phải bàn luận với các nhà chức sắc của các cộng đồng tôn giáo có liên quan. Do đó, quyết định sau cùng vẫn là một quyết định độc lập của chính phủ nhưng khi đưa ra có sự bàn bạc và dựa trên những cân nhắc khách quan. Chẳng hạn, một quy định đầy những ngoại lệ, hay một quy định trước đây chưa đòi hỏi phải có (nhưng nó lại kết quả được diễn giải một cách đặc biệt bởi một trường phái tư tưởng mới) thì được xem là ít cơ sở ưu tiên hơn là với một quan điểm lâu đời. Khi có những sự khác nhau như vậy nhà nước thuyết phục các nhà chức sắc tôn giáo hãy khoan dung và giáo dục các tín đồ của mình với người khác vốn có tín ngưỡng khác mình, chứ không nên kích động bạo lực bằng bất cứ hành vi nào được gọi là tôn giáo.

Về các vấn đề tôn giáo, nhà nước cần làm việc một cách cần mẫn với các chuyên gia trong lĩnh vực này – không chỉ là các chuyên gia đến từ các nhóm tôn giáo, mà còn là các chuyên gia học thuật và các chuyên gia khách quan từ lĩnh vực khác trong các trường đại học, các viện nghiên cứu. Bất cứ khi nào có thể, nhà nước cần phải giao tiếp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo của các nhóm quốc gia hoặc liên minh của những nhà hoạt động tôn giáo[43] hơn là mỗi cá thể hội đoàn – do đó khuyến khích sự thành lập cơ sở chung giữa các nhà hoạt động tôn giáo đang cùng hợp tác. Đây là một cơ chế tự nhiên để loại bỏ các trường hợp dị biệt và làm méo mó các quan điểm có thể xúc phạm đến số đông mà nhà nước không cần thực thi quyền lực cưỡng bức hay chức năng điều chỉnh.

Trong quá trình thực hành tôn giáo của mình, các tín đồ tôn giáo, như các công dân khác, phải tuân theo luật pháp của mảnh đất họ đang sinh sống. Sau cùng, nhà nước duy trì các vũ khí mạnh nhất và hữu hiệu nhất để đề phòng các tình huống cực đoan khi một cá nhân hay một nhóm người tỏ ra ngoan cố và không biết rằng cái họ đang làm là khích động sự nhạy cảm và gây ra bất hoà hợp về tôn giáo và sắc tộc, gây mất trật tự và hoà bình.

________________________________________

[1] Tổng điều tra dân số Singapore 2000: xem http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/indicators.pdf; cụ thể về tôn giáo, xem http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[2] Điều tra Singapore 2000: http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/topline7.pdf và dữ liệu cập nhật 30 tháng Tám 2006, http://www.singstat.gov.sg/keystats/mqstats/indicators.html#population (798,000).

[3] Bản Hiến pháp đầy đủ truy cập tại www.statutes.agc.gov.sg (sau đây gọi tắt là Hiến pháp “Constitution”).

[4] Hiến pháp điều 153A.

[5] Bảo vệ công bằng, Hiến pháp điều 12:

 “(1) Mọi người công bằng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách công bằng.

(2) Không kể khi được phép của Hiến pháp này, không có sự phân biệt nào nhằm chống lại các công dân của Singapore chỉ trên cơ sở vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nguồn gốc hay nơi sinh trong bất cứ luật nào hay việc bổ nhiệm vào bất kỳ cơ quan nào hay một công việc gì theo quyền lực công cộng hay trong việc thi hành bất cứ luật nào liên quan đến thu nhập, duy trì hay tước bỏ tài sản hay thiết lập hoặc tiến hành hoạt động thương mại, kinh doanh, nghề nghiệp hay việc làm.

(3) Điều này không làm mất hiệu lực hay ngăn cấm —

(a) bất cứ điều khoản quản lí luật cá nhân nào; hoặc là

(b) bất cứ điều khoản hay thực hành ngăn cấm văn phòng hay đơn vị thuê nhân công với các vụ việc của bất cứ tôn giáo nào, hoặc một cơ quan quản lí bởi một nhóm tin theo bất cứ tôn giáo nào, với những cá nhân tin theo tôn giáo đó,

Tự do phát ngôn, hội họp, điều 14, Hiến pháp:

”(1) Chủ thể với các điều (2) và (3) —

(a) mỗi công dân Singapore có quyền tự do phát ngôn và diễn đạt;

(b) mọi công dân Singapore có quyền tụ họp một cách hoà bình và không vũ trang; và

(c) mọi công dân Singapore có quyền lập hội.

(2) Quốc hội có thể dùng luật pháp để cưỡng chế —

(a) về các quyền đưa ra trong các điều khoản (1) (a), những hạn chế như thế khi nó xem thấy là cần thiết hay thiết thực trong lợi ích về an ninh của Singapore hay các quan hệ hữu nghị với các quốc gia khác, trật tự công cộng hay đạo đức và các ngăn cấm quy định ra để bảo vệ đặc quyền của Quốc hội hay để tránh việc coi thường toà án, lăng nhục hay xúi giục đối với bất cứ hành vi vi phạm nào;

(b) về quyền quy định bởi khoản (1) (b), những hạn chế như thế được xem là cần thiết hay thiết thực vì lợi ích an ninh của Singapore hay của bất cứ khu vực nào của đất nước này hay là trật tự nơi công cộng; và

(c) về quyền quy định bởi khoản (1), hạn chế là cần thiết vì lợi ích an ninh của Singapore hay bất cứ khu vực nào của đất nước này hay là đạo đức.

(3) Hạn chế về quyền thiết lập các hội đoàn quy định bởi khoản (1) (c) cũng có thể được áp đặt bởi bất cứ luật nào liên quan đến lao động hay giáo dục.”

Tự do tôn giáo, Hiến pháp, Điều 15 Constitution:

“(1) Mọi người có quyền tin theo và thực hành tôn giáo của mình và truyền bá tôn giáo đó.

(2) Không ai bị buộc phải đóng thuế từ tiền thu được từ lợi ích toàn phần hay từng phần vì các mục đích của một tôn giáo hơn là của cá nhân anh ta.

(3) Mọi nhóm tôn giáo có quyền —

(a) quản lí các vụ việc tôn giáo của riêng mình;

(b) thành lập và duy trì các cơ quan vì các mục đích tôn giáo và từ thiện, và

(c) tích luỹ và sở hữu tài sản, giữ gìn và quản lí tài sản theo luật định.

(4) Điều này không cho phép bất cứ hành động nào ngược lại luật chung liên quan đến trật tự, sức khoẻ hay đạo đức chung.”

Thêm vào đó, có hai điều trong Hiến pháp về vị thế của các dân tộc thiểu số và các tôn giáo thiểu số (Điều 152 và 153):

“Các dân tộc thiểu số và vai trò đặc biệt của người Mã Lai”

152. —(1) Chính phủ có trách nhiệm thường xuyên quan tâm về lợi ích của các nhóm dân tộc và tôn giáo thiểu số ở Singapore.

(2) Chính phủ cần thực thi chức năng của mình theo cách để công nhận vai trò đặc biệt của người Mã Lai vốn là dân bản địa của Singapore và theo đó, chính phủ có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ, và thúc đẩy các lợi ích chính trị, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngôn ngữ Mã Lai.

Islam giáo

153.  Cơ quan Lập pháp sẽ đưa ra điều khoản pháp luật quy định các công việc tôn giáo của Islam giáo và để thành lập một hội đồng tư vấn để giúp Tổng thống những vấn đề liên quan đến Islam giáo.”

[6] Chẳng hạn, khi các dịch vụ tưởng niệm tiến hành với những người chết trong thảm hoạ có tính quốc gia (như vụ máy bay SQ006 gặp tai nạn ở sân bay Đài Loan), cần phải thực hiện việc cầu nguyện. Hoặc khi cần cầu phúc lành cho các sĩ quan không lực Singapore cho sự cống hiến của họ với các công việc chung.

[7] Điều tra dân số Singapore năm 2000 đã có những kết quả này với số người từ 15 tuổi trở lên: Phật giáo – 42.5% (thường kết hợp với Đạo giáo (Daoism), bởi hầu hết người Singapore gốc Hoa là tín đồ của một sự kết hợp tín ngưỡng gồm cả các tôn giáo và đôi khi thêm vào đó là Khổng giáo hay tín ngưỡng vật linh); Đạo giáo (Taoism hay Daoism) - 8.5%; Kitô giáo - 14.6%; Islam - 14.9%; Hinduism - 4%; các tôn giáo khác - 0.6% ; Không theo tôn giáo - 14.8%; xem http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/indicators.pdf; http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[8] Xem website: www.iro.org.sg. Về giới thiệu chung về các tôn giáo ở Singapore, xem  http://www.sg/explore/people_religions.htm.

[9] Mặc dù được chính thức coi là tín đồ Phật giáo, nhiều người gốc Hoa vẫn thực hành tôn giáo theo quan niệm rộng của họ. Như đã nói trong chú thích 8. 64.4% người Trung Quốc là tín đồ Phật giáo/Đạo giáo; 99.6% người Mã Lai là tín đồ Islam giáo; 55.4% người Ấn Độ là tín đồ Hindu; Xem Tổng điều tra Singapore 2000, bảng 39: http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[10] Ở Singapore, khái niệm này được dùng để chỉ người có nguồn gốc từ các tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm Sri Lanka chứ không chỉ riêng Cộng hoà Ấn Độ.

[11] Tín đồ chủ yếu là người Hoa, vốn gọi tôn giáo này là De jiao (tạm dịch là “Tôn giáo đạo đức”, hay “Tôn giáo của Đức hạnh”). Trung tâm chính của Singapore là Bukit Merah Central, được biết như là "Toà nhà Chong Hua Tong Tou Teck Hwee". Trung tâm đầu tiên của nước này là ở đường Upper Serangoon, gọi là “toà nhà Chee Hwan Kog”, nhưng họ lại chuyển về Sengkang. Họ cùng làm việc với các cộng đồng vì lợi ích chung của "De Jiao" như Hội đạo đức Thye Hua Kwan và Hội thúc đẩy đạo đức Chee Hoon Kog. Ở Đài Loan, tổ chức này là “I Kuan Tao” (“Nhất quán đạo”), là tôn giáo phổ biến thứ 3 ở đó. Trước những năm 80, tôn giáo này bị cấm ở Đài Loan.

[12] Đây là một tôn giáo bắt nguồn từ Ấn Độ, người thành lập vẫn còn sống, và tự nhận là “Sai Baba”. Tên chính thức của nó là Sathya Sai Organisation.

[13] Người theo tín ngưỡng vật linh thờ các linh hồn vốn thấy ở mọi nơi: trong các cây, hòn đá, động vật, v.v… và có thể là linh hồn của các thành viên trong gia đình. Người ta làm ra bùa chú để tránh sự ám hại của ma quỷ. Đôi khi người ta xây các đền để các linh hồn có nơi trú ẩn vì thế mà không ám ở trong nhà của tín đồ hoặc làm hại tín đồ.

[14] Chẳng hạn Pháp Luân công, khởi đầu ở Trung Quốc và bị cấm ở đó. Ở Singapore, giáo phái Pháp Luân công được đăng kí pháp nhân và tín đồ không bị cấm thực hành tín ngưỡng của họ. Các thành viên Pháp Luân công thường bị bắt giam vì tụ họp bất hợp pháp, nhưng khi họ tụ hợp để biểu tình thì lại không bị cấm. Mọi hình thức tụ họp từ năm người trở lên ở Singapore là phạm pháp trừ khi cảnh sát cho phép: mục 141, luật Hình sự.

“141. Một nhóm tụ hợp 5 hay nhiều hơn 5 người được coi là “tụ tập bất hợp pháp”, nếu mục đích chung của những người trong nhóm đó là:

(a) đe dọa bằng bạo lực hay biểu lộ sức mạnh gây tội ác đối với cơ quan lập pháp hay hành pháp của chính phủ, hay bất cứ cơ quan công cộng nào khi cơ quan đó đang thi hành quyền lực theo đúng pháp luật;

(b) chống lại việc thi hành luật, hay bất cứ một quá trình luật pháp nào;

(c) thực hiện việc phá hoại, hoặc có hành vi tội phạm, hoặc các hình thức phạm pháp khác;

(d) sử dụng phương tiện phạm pháp, hay thể hiện hành động của tội phạm, với bất cứ ai để lấy tài sản và sở hữu cá nhân, hay xâm phạm đến hưởng thụ cá nhân hợp pháp; hoặc

(e) sử dụng phương tiện của tội phạm, hoặc thể hiện hành động tội phạm, để buộc bất cứ ai làm điều phạm pháp, hoặc buộc ai đó không được làm điều hợp với pháp luật.”

Dưới điều khoản về các trường hợp phạm pháp khác (Gây rối trật tự công cộng) (Hội họp và diễu hành) các quy định 1989, bất cứ hình thức tụ tập nào hay nhóm diễu hành nào nhiều hơn 5 người trên đường đi công cộng đều phải được phép của cảnh sát. Không gian công cộng là để:

(a) diễu hành ủng hộ hay phản đối các quan điểm hay hành động của bất cứ cá nhân nào;

(b) để công khai hoá một nguyên do hay một vụ kiện hay cuộc vận động; hay

(c) đánh dấu hay hồi tưởng một sự kiện.

Giáo phái Soka Gakkai, khởi nguồn từ Nhật Bản, là một giáo phái Phật giáo còn gây nhiều tranh cãi nhưng hiện thời không bị cấm ở Singapore.

[15] Lịch sử của Singapore chứng kiến 3 giai đoạn bạo loạn đa sắc tộc và các sự kiện này đã tác động đến các chính sách của chính phủ. Cuộc bạo loạn Maria Hertogh năm 1950, kết quả là 18 người chết, là do quyết định của quan toà thuộc địa. Quyết định phán quyết rằng một cô gái Hà Lan vốn được nuôi dưỡng trong một gia đình theo Islam giáo và cưới chồng là một tín đồ Islam giáo phải được trả về bố mẹ đẻ của cô và hôn nhân của cô phải huỷ bỏ. Cộng đồng Islam giáo phản đối bằng bạo lực trên đường phố và tấn công mọi người có nguồn gốc da trắng hoặc trông giống người da trắng. Bạo loạn sắc tộc lại nổ ra năm 1964 (hai lần, 23 tháng 7 làm 23 người chết, 454 người bị thương – và vào tháng 9 với 13 ngườic hết, 103 người bị thương.) Các cuộc bạo loạn hoá ra là sự đối đầu giữa người Mã Lai và người Trung Quốc – và bạo loạn vào tháng 7 đã được châm ngòi bởi các trận ẩu đả giữa người Trung Quốc đến xem và các thành viên của một nghi lễ tôn giáo tôn vinh nhà tiên tri Muhammad. Nhìn lại, cả hai cuộc bạo loạn đều liên quan đến chính trị nhiều hơn là với sắc tộc hay tôn giáo. Tham khảo Lee Kuan Yew, The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew,  Prentice Hall, 1998, pp143-144; 556-559, 662-663. Các cuộc bạo loạn bùng phát ở Malaysia vào tháng 5 năm 1969, một sự va chạm bắt đầu bởi sự bất mãn với quan điểm chính trị (phe đối lập và đa sắc tộc nhưng chủ yếu được coi như là Đảng dân chủ hành động Trung Hoa đã gây rối loạn trên đường phố nhằm chống lại đảng cầm quyền Mã Lai - đảng Tổ chức Quốc gia Mã Lai thống nhất (United Malays National Organisation). Các cuộc bạo loạn này lan sang Singapore, bởi sự căng thẳng giữa người Mã Lai và người Hoa ngày càng gia tăng, dẫn đến hậu quả là 4 người chết và 60 người bị thương.

Tuy thế, chính phủ tuyên bố việc thành lập các tổ chức tôn giáo ở Singapore trong lời Tuyên bố Hoà hợp tôn giáo vào tháng 6 năm 2003 (sau sự kiện tấn công khủng bố 9/11 ở Mỹ). Tuyên bố viết:

“Chúng tôi, người dân ở Singapore, tuyên bố rằng hoà hợp tôn giáo là thiết yếu đối với hoà bình, tiến bộ và thịnh vượng trong quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo này.

Chúng tôi kiên quyết củng cố hoà hợp tôn giáo bằng sự khoan dung lẫn nhau, sự tin tưởng, tôn trọng và hiểu biết.

Chúng tôi sẽ luôn

                        Công nhận bản chất thế tục của Nhà nước,

                        Thúc đẩy đoàn kết trong xã hội,

Tôn trọng tự do tôn giáo lẫn nhau,

Phát triển không gian công đồng thời tôn trọng sự đa dạng,

Khuyến khích giao tiếp liên tôn giáo,

Và do đó bảo đảm rằng tôn giáo sẽ không bị lợi dụng để gây ra xung đột và bất hoà ở Singapore.”

Xem: http://www.mcys.gov.sg/MCDSFiles/download/Dec_relig_harmony.doc. Đồng thời, chức sắc các tôn giáo ở Singapore cũng thiết lập một hội thảo bàn tròn về Hoà hợp liên tôn giáo để thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và khoan dung. Tựa như một sự phát triển song song ở cả mức độ đại chúng và quan hệ tương cận. Hội thảo liên sắc tộc cũng được hình thành để xây dựng niềm tin giữa các sắc tộc với nhau. Thêm vào đó, Ngày Hoà hợp sắc tộc (Racial Harmony Day) được kỉ niệm vào tháng 7 hằng năm để tưởng nhớ lại những ảnh hưởng của các cuộc bạo loạn năm 1964. Xem thêm Bình luận về Tuyên bố này tại Thio, Li-ann “Constitutional Soft Law and the Management of Religious Liberty and Order: The 2003 Declaration on Religious Harmony” In (2004) Singapore Journal of Legal Studies, 2, pp. 414-434.

[16] Xem Lim, op cit, fn 1.

[17] Karma (nghiệp) là niềm tin cho rằng những hành động của một người trong cuộc đời này có ảnh hưởng đến đời sau khi anh ta đầu thai trở lại. Hiện trạng của một con người ở kiếp này do đó là do ảnh hưởng bởi những gì anh ta đã làm ở kiếp trước.

[18] Nirvana (Niết Bàn) là niềm tin cho rằng khi một người đã giác ngộ hoàn toàn, anh ta sẽ hội nhập vào cõi Không - một trạng thái hạnh phúc bất tận.

[19] Trong tổng điều tra dân số Singapore năm 1980, tín đồ của nó chỉ chiếm  27% dân số. Ti lệ này trước đây còn thấp hơn.

[20] Do đó, ở Singapore chúng tôi có Tổ chức Liên tôn giáo (Inter-Religious Organisation) và Các hội thảo kín liên sắc tộc (Inter-Racial Confidence Circles) của các tổ chức dân sự để tổ chức các chuyến viếng thăm cơ sở tôn giáo của nhau và những cuộc nói chuyện trước công chúng về các tín ngưỡng khác nhau.

[21] Trong việc thực hành Đạo giáo ở Singapore, các tín đồ Đạo giáo (và một số tín đồ Phật giáo) đốt vàng mã và hương thay cho đồ cúng tế trong các ngày hội. Việc làm này gây ô nhiễm không khí và xả rác bừa bãi. Chính quyền Singapore cho đặt các thùng rác ở một số vị trí nhất định trong các khu nhà công để người dân có thể đốt (vàng mã) đồng thời hạn chế chiều dài của que hương (đặc biệt vào dịp năm cũ qua năm mới khi mọi người đua nhau đốt vàng mã). Xem phóng sự,  http://www.singapore-window.org/80217sc.htm. Thêm về quy định cho tang lễ, và ô nhiễm không khí do đốt vàng mã và hương, xem http://app.nea.gov.sg/cms/htdocs/category_sub.asp?cid=180. Một ví dụ khác về việc giảm xích mích là từ cách các thánh đường của Islam giáo giảm âm lượng loa vì thế lời nhắc nhở cầu nguyện  không làm phiền đến sự yên tĩnh của hàng xóm. Tuy thế, lời nhắc nhở này vẫn đến nhà của từng tín đồ Islam giáo vốn có radio bắt sóng của ngôn ngữ Mã Lai.

[22] Vì thế vào năm 1990, Chính phủ thông qua Điều khoản Duy trì Hoà hợp tôn giáo 167A, để đảm bảo rằng việc thực hành tôn giáo không kích động các phản ứng thù nghịch từ người khác, qua những lời nói và việc làm có tính xúc phạm hoặc nhạy cảm (như chế nhạo việc thực hành tôn giáo hay lời dạy của các lãnh đạo tôn giáo khác). Những hành động được nhắc tới cụ thể là:

a) gây cảm giác thù địch, căm ghét, ác ý giữa các nhóm tôn giáo khác nhau;

(b) tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy nguyên do chính trị, hoặc đảng phái dưới chiêu bài truyền bá hay thực hành bất cứ niềm tin tôn giáo nào;

(c) tiến hành các hoạt động có tính chất phá hoại dưới chiêu bài tuyên truyền hay thực hành bất cứ niềm tin tôn giáo nào; hoặc

(d) thể hiện sự bất mãn trước tổng thống hay chính phủ dưới chiêu bài tuyên truyền hay thực hành bất cứ niềm tin tôn giáo nào.

[23] Một tôn giáo biện hộ cho việc giải phóng nô lệ trong một xã hội mà kinh tế dựa vào sức làm việc của nô lệ có thể được cho là đe doạ đến tính cố kết của xã hội và người cầm quyền. Một số nhà quan sát cho rằng đây chính là cơ sở đằng sau phản ứng của các bang Nam Mỹ đối với thông điệp của phong trào chống nô lệ - phong trào đã tạo ra những căng thẳng dẫn đến nội chiến ở Mỹ. Kitô giáo là một tôn giáo lâu đời, những cách lí giải mới của tín đồ Bắc Mỹ đã thúc đẩy ý tưởng  rằng mọi người được tạo ra là bình đẳng trước Chúa và có quyền như nhau đối với nhân phẩm, tự do và tài sản sở hữu.

[24] “Ánh sáng mặt trời là thứ thanh tẩy tốt nhất”. Đầy là một câu trích dẫn nối tiếng của quan toà Louis Brandeis tại Toà án tối cao Mỹ, nói đến những lợi ích của việc cởi mở và minh bạch và những tranh luận không bị hạn chế. Đây là triết lí phổ biến sâu sắc ở Mỹ. Nó không phải là một khái niệm dễ dàng gì có thể gieo trồng ở Châu Á nơi nhiều nền văn hoá coi trọng sự nhất trí hơn là bất đồng; nơi người thầy và người lớn tuổi được tôn trọng hơn cả, vì thế mà các quan điểm đối nghịch không được thể hiện ra; và nơi mà “bộ mặt” là quá quan trọng đến mức một người bị phản bác lại cảm thấy bị làm nhục và trở nên giận dữ tới mức thù oán cá nhân. Trong những tình trạng như thế, sự cho phép cởi mở trong tranh luận tạo ra nhiều sức nóng hơn là ánh sáng và tạo ra thù hận chứ không phải là sự khai sáng như dự kiến. Câu trích đầy đủ của Brandeis là: “Sự công khai chỉ được ca ngợi như một phương thuốc chữa trị cho những căn bệnh xã hội và công nghiệp. Ánh sáng mặt trời được nói là chất thanh tẩy tốt nhất; ánh sáng điện là một ông cảnh sát hữu hiệu nhất.” (Justice Louis Brandeis, Other People’s Money, and How the Bankers Use It, 1933). Đọc thêm trong Whitney v. California, 1927.

[25] Và do đó không có lợi ích trong việc giữ gìn hay bảo vệ Singapore và các định chế của nó, cũng không hiểu biết đủ về các điều kiện và tình trạng của nó để có thể bình luận một các công tâm và đầy đủ.

[26] Chẳng hạn, Jesus nói trong Kinh thánh phần Matthew 22:21, “Trả về cho Caesar cái thuộc về Caesar, và trả về Chúa cái Chúa đòi hỏi nếu các môn đệ của Người phải trả thuế (câu trả lời là “đúng” bởi đồng xu để trả thuế thuộc về Caesar!); tông đồ Paul cũng nói về sự cần thiết phải tôn trọng chính phủ và luật pháp cũng như bộ máy thực thi luật pháp (The Book of Romans Chapter 13, verses 1-7):

“ 1. Mọi người phải chịu sự quản lí của chính quyền, vì nếu không có chính quyền nào ngoài chính quyền Chúa trời đã thiết lập. Chính quyền đã từng tồn tại là do Chúa thiết lập.

2 Do đó, người nổi lên chống chính quyền là chống lại cái Chúa đã thiết lập, và người làm như thế phải tự phán xét chính mình.

3. Người cầm quyền không sợ người làm điều đúng, nhưng sợ người làm điều sai. Anh có muốn khỏi phải sợ người cầm quyền không? Nếu thế thì hãy làm điều đúng đắn và anh sẽ được khen ngợi.

4 Vì Chúa trời làm điều tốt cho bạn. Nhưng nếu bạn làm sai, cần biết sợ, vì Người không mang thanh gươm khi không có mục đích gì.

 5. Do đó, cần phải tuân thủ chính quyền, không chỉ bởi việc có thể bị trừng phạt mà còn vì lương tâm.

6. Điều này cũng giải thích tại sao bạn phải đóng thuế, vì chính quyền là người phục vụ Chúa, người dành trọn thời gian để quản lí.

7. Trả lại cho mọi người cái bạn nợ họ: Nếu bạn nợ thuế, hãy trả thuế; nếu nợ tiền công, hãy trả tiền công; nếu nợ sự kính trọng, hãy trả lại sự kính trọng; nếu nợ danh dự, hãy trả lại bằng danh dự.”

[27] Phê bình về một số điều khoản của những luật này có thể xem ở “The International Religious Freedom Report 2005” do Phòng Dân chủ, Quyền con người và Lao động ấn hành tại http://www.state.gov/g/drl/rls/irf/2005/51529.htm ; Lily Zubaidah Rahim, “Các cộng đồng thiểu số và nhà nước ở Malaysia và Singapore: Điều khoản, Phạm trù và Triển vọng” trong Báo cáo của Cao ủy Liên hiệp quốc về quyền con người, bộ phận Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền con người đối với các nhóm thiểu số, phiên họp thứ 9, 2003 (E/CN.4/Sub.2/AC.5/2003/WP.12 dated 5 May 2003).

[28] Một số tổ chức tôn giáo đăng kí với tư cách là các công ty trách nhiệm hữu hạn có sự đảm bảo. Đây là một dạng thức được luật pháp Singapore cho phép đối với bất cứ tổ chức phi lợi nhuận nào. Các hình thức khác tồn tại do chúng được các điều khoản về vấn đề riêng tư tạo ra. Các điều khoản này do các nhà lập pháp giới thiệu trên cơ sở yêu cầu cụ thể của các tổ chức liên quan. Hầu hết các điều khoản này là các chỉ thị được thông qua từ trước khi Singapore giành được độc lập và tiếp tục được đưa vào luật pháp. Xem thêm trong Bishop of Singapore Ordinance, Cap 355; the Hindu Endowments Act, Cap 364;  và Jewish Synagogue Ordinance, Cap 365.

[29] Tất cả đàn ông từ 18 đến 50 có nghĩa vụ phục vụ trong quân đội theo luật định của Singapore.

[30] Tổ chức khác là Giáo hội Thống nhất (Unification Church) đăng kí với tư cách là một hội đoàn bị rút lại giấy phép vào năm 1982 bởi các tín đồ giáo phái này dạy trẻ em nói dối với cha mẹ và các hình thức hoạt động khác khiến các bậc phụ huynh lo ngại. Báo cáo về lần cấm hoạt động thứ hai năm 1990 đối với giáo phái này có thể xem tại: http://www.whyaretheydead.net/misc/Factnet/CO0590AC.TXT)

Chính phủ quyết định rằng sự “tiếp tục tồn tại của của Giáo hội Thống nhất gây tổn hại đối với lợi ích của công cộng và trật tự xã hội." Nhưng chính phủ vẫn cho phép chi nhánh thương mại của giáo phái này mở cửa ở Tongil Singapore.

Chính phủ phản đối sự hiện diện của giáo phái Giáo hội Thống nhất ở Singapore bởi nhóm này:

-              Yêu cầu học sinh nói dối với cha mẹ, nói với họ rằng mình đang chơi với bạn hay ở khách sạn trong khi thực tế đang dự các cuộc họp của giáo phái ở khuôn viên trường học.

-              Thúc giục học sinh coi sự phản đối việc tham gia các hoạt động của giáo phái là “sự can thiệp ma quỷ”, và thúc giục học sinh bỏ nhà ra đi.

-              Thúc giục các thành viên che giấu các thành viên tiềm năng rằng họ thực ra sẽ tham gia phong trào của giáo phái.

-              Đòi hỏi các thành viên nói dối với trường học hay cơ quan, nói đang đi du lịch kết hợp học tập trong khi thực ra đang dự cuộc họp của giáo phái ở London tháng Tám 1989.

-              Nói rằng chính phủ ủng hộ hội đoàn Moral Home (Ngôi nhà đạo đức), và hứa hẹn với người Malaysia rằng nếu họ gia nhập nhóm phái này thì sẽ có được giấy phép định cư ở  Singapore.

-   Thúc giục tín đồ “hi sinh sự nghiệp và từ bỏ người họ yêu” để sống và quảng bá lối sống của các tín đồ Moonies (đây là từ chỉ các tín đồ của Giáo hội Thống nhất lấy theo tên giáo chủ Moon).

Báo cáo của chính phủ cũng nói rằng các chức sắc ở địa phương của giáo phái này thuyết giảng về các giá trị có ảnh hưởng đến xã hội đa tôn giáo như Singapore, và trích dẫn một câu của một chức sắc giáo phái tại một cuộc họp với 40 người tham gia rằng Kitô giáo là “một giáo thuyết “độc hại” và “ngu ngốc”. Anh ta cũng nói rằng các chính phủ không tin vào Nguyên lí Thần thánh (nguyên lí cô đúc của giáo thuyết của Giáo hội Thống nhất) là xấu xa.

Tuyên bố của chính phủ Singapore kết luận: "Bởi Hội gia đình đạo đức tiên phong trong việc khôi phục phong trào Giáo hội Thống nhất ở Singapore, và vì giáo thuyết và phương pháp của nó gây tác hại đến sự hài hoà tôn giáo, đời sống gia đình, và sự cố kết xã hội ở Singapore, chính phủ quyết định giải thể hội đoàn này. “From Take a Closer Look (Vol 11 No 6 July/August 1990, newsletter of CCG Ministries, Perth, Australia), truy cập tại http://www.ccgm.org.au/Pages/0002-D.htm.

[31]  Chúng không bị cấm chính xác như với hình thức của các tổ chức tôn giáo.

[32] Năm 1996, một phiên kháng án của Toà án Singapore khẳng định khả năng của nhóm này trong việc thực hành tôn giáo của một cách tự do, và các cuộc họp hành của Nhân chứng Jehovah tại nhà riêng không bị tấn công hay bắt giữ.

[33] Ngoại lệ chấp thuận cho các điều kiện như khuyết tật cơ thể hay thiểu năng trí tuệ; hoặc gia đình có đời sống quá vất vả (bản thân là trụ cột duy nhất của gia đình).

[34] Áp dụng cho mọi người trong mọi tình huống nếu một người viết hay nói ra những lời có mục đích hạ thấp danh dự của người khác.

[35] Điều khoản này cho phép chính phủ cấm cách thể hiện tôn giáo có thể gây bất hoà.

[36] Luật cấm các xuất bản có thể gây thù địch, căm ghét, giữa các nhóm sắc tộc hay tôn giáo: mục 4, Xuất bản ngoài mong muốn Điều, Cap 338.

[37] Chẳng hạn: năm 2005, Benjamin Koh và Nicholas Lim, hai người viết nhật kí trên mạng, bị Toà án cấp địa phương Singapore truy tố. Benjamin Koh bị buộc tội xúc phạm theo mục 4 (1)(a) và phạt theo mục 4(1) của điều khoản xúi giục làm loạn vì anh ta đã hành động có xu hướng thúc đẩy những tình cảm hận thù giữa các sắc tộc và tầng lớp ở Singapore bằng cách đưa lên những nhận xét có tính chống lại người Mã Lai và tín đồ Islam trên trang web ‘Phoenyx Chronicles’ tại www.upsaid.com. Nicholas Lim bị buộc tội tương tự trên diễn đàn www.doggiesite.com.

[38] Phát âm là “Shar’ia” và thường được đánh vần theo cách này trong các quốc gia khác. “Syariah” là cách phát âm Mã Lai ở Indonesia, Malaysia, Brunei và Singapore.

[39] Xem Điều luật quản lí tín đồ Islam, Cap 3.

[40] Tín đồ Zoroastrians (Bái hỏa giáo) thực hành cái gọi là “thiên táng” – tin rằng thân thể người chết cần được đặt một nơi cao ráo, gần bầu trời. Kền kền được phép ăn xác chết cho đến khi chỉ còn xương. Singapore không cho phép “thiên táng” vì lí do sức khoẻ. Singapore là một thành phố và không có kền kền. Nhưng cộng đồng này cũng đã điều chỉnh hành động chôn người chết từ lâu. Vì họ tin là cơ thể người chết không thể cho tiếp xúc với đất vì sẽ bị ô uế, họ chôn người chết trong các quan tài bằng bê tông.

[41] Các điều chỉnh đã được thực hiện trên cơ sở làm việc với các lãnh đạo cộng đồng Islam giáo để thừa nhận rằng yêu cầu của một số phụ huynh Islam giáo muốn con gái mình dùng khăn trùm đầu (gọi là tudung) là không thể chấp nhận được. Điều này là bởi các trường không thuộc tôn giáo đòi hỏi mọi học sinh phải mặc đồng phục theo tiêu chuẩn vì lí do cố kết xã hội, hội nhập và tuân thủ kỉ luật chung – và cho phép trang phục tôn giáo bất cứ dưới hình thức nào có thể gây trở ngại cho mục đích cố kết đó. Nơi nào mà cơ sở giáo dục không có quy định bắt buộc, như trường cao đẳng, đại học hay một số trường tư thục, các cô gái này được phép mang tudung nếu họ muốn. Họ có thể đến các trường của tôn giáo gọi là madrassahs, nơi đeo khăn trùm đầu là một điều bắt buộc.

[42] Ví dụ về Điều khoản về lời thể và tuyên bố

Act, Cap 211 – (mẫu tuyên thệ trước tòa)

“Con, .........................................................., xin thề sẽ thực lòng phục vụ Cộng hoà Singapore tại cơ quan có tên .......................................... và con sẽ làm điều công chính với mọi người trước luật pháp và tục lệ của Singapore mà không hề có sợ hãi hay thiên vị, vị nể hay thù ghét. Vì thế xin Thượng Đế giúp con.”

Nhưng mục 16 nói:

“Bất cứ cá nhân nào —

(a) là một tín đồ Hindu giáo hay Islam giáo hay thuộc tôn giáo khác mà khônng buộc phải thề; hay

(b) có sự phản đối lương tâm khi phải nói một lời thề,

Và người thực hiện lời thề theo luật có thể, thay vì thề xem mục 15 (1) hoặc (2), tùy trường hợp cụ thể, thực hiện một lời xác nhận dưới dạng thức như các lời thề, thay bằng các từ “nghiêm cẩn, chân thực và thực lòng tuyên bố và khẳng định” thay cho từ “thề” và bỏ cụm từ “Vì thế xin Thượng Đế giúp con”.

[43] Theo phương diện này, chính phủ Singapore làm việc chặt chẽ với các tổ chức như Singapore Buddhist Federation (Liên hiệp Phật giáo Singapore), Hội đồng quốc gia các giáo hội (National Council of Churches), the Graduates’ Christian fellowship, Hội đồng Islam giáo (Islamic Religious Council) và  Ban quản lí Hindu giáo (Hindu Endowments Board). Chẳng hạn như xem văn bản Inter-Religious Harmony Circle, hoặc vào website của Bộ Cộng đồng, Thanh niên và Thể thao, fn 16.

________________________________________

A.    INTRODUCTION

Singapore is a multi-racial, multi-lingual, multi-religious country. Its population[1] of 4 million people is made up of 77% Chinese, 14% Malays, 8% Indians and other persons of South Asian origin and 1% of other ethnic minorities such as Eurasians, Arabs, Portuguese, Parsis and Armenians. There are also 750,000[2] foreigners of various nationalities in Singapore – with large numbers of Americans, British, Australians, Japanese, Indonesians, Malaysians, Filipinos, Indians, Chinese, Koreans and increasingly, even Africans.

The Constitution of the Republic of Singapore[3], which is the supreme law in Singapore, prescribes that the official languages of Singapore should be Malay, Mandarin, Tamil (a South Indian language) and English[4]. Freedom from discrimination, of religion and expression are fundamental rights of all Singaporeans but there is no official religion[5]. Freedom of religion includes the right to practice and to propagate the religion.

Politically, Singapore is a secular state – but for administrative convenience, State functions which contain a religious component[6] will involve the representatives of the ten mainstream religions in Singapore. These religions are: Buddhism (the majority religion)[7], Taoism, Islam, Christianity, Hinduism, Sikhism, Judaism, Baha’ism,  Zoroastrianism and Jainism. These religions are those represented in the Inter-Religious Organisation[8], a civil organization that promotes inter-religious harmony in Singapore.

The Chinese are primarily Buddhists[9] with a significant number of Christians; the Malays are almost exclusively Muslim; the Indians[10] are largely Hindus, with many Muslims, Christians and practitioners of other religions such as Sikhism and Jainism amongst them too. The Eurasians are mostly Catholic. Other religions which find expression in Singapore include Confucianism, Mormonism, Moralism[11], Sai Babaism[12],  and animism[13]. Though officially deregistered as societies, the Unification Church (“Moonies”) and the Jehovah’s Witnesses are also present. This is because the Singapore Government does not stop these groups from meeting peaceably in households as long as they do not hold public meetings of more than four. The list of religions is not exhaustive, as new religions (and sects of established religions[14]) continue to be introduced all the time.

Human beings are by nature suspicious of strangers and people who are different from them. Sensitivities are sometimes treaded on unintentionally when different cultures meet. What is insulting to one culture or religion may be totally innocuous in another. In a multi-cultural and multi-religious society like Singapore, the State’s duty to keep law and order becomes particularly difficult due to such human tendencies.[15] It must act fairly and even-handedly. What it gives to one religion, it must give to the others. The State, for example, allots land in all new towns for the building of places of worship. As land is limited, however, it cannot allocate whatever is requested by every religion. It therefore allocates the land based on a determination of bidding process, whereby the highest bidder wins the land package. Usually a piece of land is allocated in each new town for each of the major religions of Buddhism/ Daoism, Hinduism, Christianity and Islam – and except for Islam where there is only one mosque building authority, the respective religious groups bid for the land allocated to their religion. Conversely, what it denies to one religion it must deny to others too – unless there are justifiable reasons for exception in both situations. Thus, all religious activity is prohibited in government schools – though not in the institutions of higher learning, where students are allowed to run their own religious societies and clubs..

It is not the duty of a secular State, however, to decide which religious practices will or will not be allowed, nor which religion is preferred. Besides, a constitutional guarantee of religious freedom will preclude those actions of the State. Nevertheless, there must be situations where religious freedom – like any other sort of freedom – should be curtailed as it impinges on another’s freedom. As has been said elsewhere, your freedom to swing your fists ends where it stops at my nose.

How should a State reach this balance? This paper will study the situation in Singapore and discusses how the Singapore government attempts this balance.[16] It will conclude with an enumeration of some principles which States can adopt to achieve the balance.

B.    CHARACTERISTICS OF MINORITY RELIGIONS

As mentioned above, the religion with the largest following in Singapore is Buddhism. This religion is based on the teachings of an Indian prince, Siddhārtha Gautama, who founded this religion around the sixth century BC.  It began as an outgrowth of Hinduism, a religion of a minority group in Singapore, and contains concepts which were first propounded in Hinduism – such as karma[17], nirvana[18] and reincarnation. At one time, and in a different society, this would thus be a minority religion. Buddhism was in fact at one time a minority religion in Singapore[19]

It is actually meaningless to state categorically what is a minority religion in a multi-ethnic, multi-religious, secular society. Within Buddhism itself, there are different sects with beliefs which are not always compatible with the rest. There are the major schools of Mahayana, Theravada and Vajrayana (Tibetan or Tantric Buddhism). Within Mahayana Buddhism, there are sub-divisions such as Zen in Japan and the ecclectic folk Buddhism of South China where Singapore’s Chinese immigrants came from. Theravada Buddhism in Sri Lanka is again different from Theravada Buddhism in Thailand, which at the populist level is deeply infused with worship of the Hindu god Brahman and with animism.

Depending on how one defines it, therefore, Buddhism may mean different things to different people – and the numbers will accordingly be reduced to the extent that within a majority religion, there could be groups which feel very much like adherents of a minority religion.

An enlightened secular state will not attempt to identify what is a majority or minority religion – because this invariably means that the state must become involved in the adjudication of what are the key beliefs of any particular religion to determine the numbers of its adherents. In addition, a member of a majority ethnic group for example, such as the Chinese in Singapore, may practise religions which are not practised by  many in that ethnic group. Thus, there are small numbers of Chinese in Singapore who are Hindus, Muslims and Baha’is. It may be more necessary to protect the rights of minority ethnic groups in the country to practice the religion of their choice. If that is the case, then the general protection of freedom of religious choice is sufficient. Such an approach by the State (and its laws) will protect the minorities in all the minority scenarios painted above.

Nevertheless, there may be religious practices which may be irksome to others who are under the protection of the State. The persecution or intolerance exhibited to adherents of other religions usually come as a result of misunderstanding on the part of the non-adherents; insensitivity to the legitimate needs of others by the adherents; and the natural human inclination to regard others who are different as abhorrent.

The interests of the State in maintaining law and order is to encourage mutual understanding,[20] reduce areas of friction[21] – and in the extreme cases, to prohibit or to circumscribe insensitive and provocative behaviour by force of law[22].

C. PROBLEMS CAUSED BY NEW RELIGIONS

Some people believe in God and some do not – and there are religions where there is no conception of a divine being, whatever its name. Some religions are monotheistic while others have many gods. There are also religions too which are essentially nothing more than philosophies whose founders have become highly venerated; and religions that are offshoots or variants of established religions.

Man is the only creature on earth who strives to understand the environment around which he lives and speculates about things beyond this life and forces he cannot control or see. It is as if there is a spiritual void in him which has to be filled – either with a religion, or a belief system which denies the place of religion or god – but which invariably also seeks to explain the environment and the nature of man and his ambitions and the purpose of his existence. The explanations are never completely satisfactory to all – so this leads to the formulation of new religions all the time.

When a new religion re-interprets an old one, orthodoxy is challenged. Orthodoxy then reacts by defending itself or attacking the new belief. Even when a new religion does not re-interpret the old, but threatens to draw away members from an established religion – similar reactions may also occur. All these will be aggravated if the new religion seeks to undermine and denigrate the old, whether deliberately or impliedly. The interests of the State in a multi-religious situation is to ensure that these exchanges of opinion and counter-opinion remain civil and within the bounds of free, civilised debate. In the extreme, the State must act to proscribe any resort to violence or ward off any violent proclivities.

Some new religions are established to challenge not just orthodox religious beliefs, but also establishment policies or values. They may not do this expressly, but through advocating beliefs and values which run contrary to what the majority of society advocates. They may, in the alternative or in addition, have value systems which threaten social security, stability and harmony. Very often, governments themselves feel threatened by such new beliefs because of the potential economic or political impact.[23]

There is also the difficulty of deciding what is a religion, and what is not. Wicca, New Age systems, Reiki and Freemasonry have practices and rituals which resemble what religions do – but are still labelled as “quasi-religions” sometimes as they lack one or more things which are regarded as key elements of a religion.

Besides belief systems which seem almost religious – there are others which claim to be sects of an established religion, though the established religion itself denies any association or recognition to it. These latter religions are often referred to as “cults”. The Ahmaddiyyas are thus labeled a cult by Muslims; so is the Falungong Buddhism so labeled by some Buddhist groups, while Christians generally regard the Unification Church, the Mormons and the Jehovah Witnesses as “Christian” cults.

It is not the duty nor the place of the State to be involved in adjudicating such matters. These things the State must permit because they are as much expressions of the other freedoms – a freedom of expression and a freedom to associate with others of like mind – even if the gathering or the expression does not come up to the level of a religion. As long as the freedoms are exercised without disrupting or provoking peace and order – the secular State must maintain a respectful distance.

In a mature democracy, the State has no fear of such unorthodox, anti-establishment views destroying the fabric of society. This is because freedom of expression will ensure that such groups’ ideas are fully exposed and their inadequacies shown.[24] Furthermore, rogue religion-inspired governments in a constitutionally-established State cannot entrench themselves if they are undeserving of the support of the majority of the populace (even if by some fluke the religionists gain temporary ascendancy in the political arena). Such religionists will show their true colours eventually and then will be ousted at the next elections.

In a fledgling democracy, on the other hand,  this certainty may be absent or untested. Governments may thus err on the side of caution and tend to respond by curbing the freedom of such religionists in practicing their religion. Societies may be too fragile to survive the full brunt of vigorous debate which can also tear the society apart. This explains the insistence of the Singapore government that politics should be the domain of politicians only. Religious leaders and religious people are permitted to participate in politics and challenge the government in the political arena – just that they are not allowed to hide behind their pulpits to present their political views as religious beliefs. Similarly, journalists write news and comment on them – but if they are not Singaporeans[25], they do not have untrammeled freedom to comment on Singapore politics without giving the government the right of a full, vigorous reply.

Much as this position is unacceptable in the mature democracies in Europe and America, such a stance is seen by developing democracies as a necessary evil. I will explain Singapore’s position on this in section E below.

D. LAWS ON RELIGION AND ADJUSTMENTS TO MINORITY RELIGIONS

Religions are all different. The secular state does not support or promote any particular religion. If it protects or supports the status quo, this very often would be seen as support for the majority, or majority race’s, religion. In countries where there is no clear majority religion, there may still be a status quo in the religion that has existed the longest in the state, and is thus a form of establishment religion.

Where laws and constitutions permit freedom of choice in religious matters, the State must make it clear that support of the status quo does not mean the State will take sides in disputes that arise or are ongoing between religions and religious leaders. Legal differences or differences that can be sorted out legally should be sorted out by due legal process. Differences that cannot be so sorted out should be resolved amicably by extra-judicial processes, such as mediation.

Religious contentions that can disrupt the peace and order of the State, however, need to be averted before they explode into violence. Religious differences which relate to theological and philosophical positions are not matters where the State has an interest or expertise. The only legitimate position the State can take is to promote tolerance and even acceptance that the opposing religion has a right to exist and propagate its views in a fair and unprovocative manner.

To promote tolerance and harmony, is there a need or necessity for the State to make adjustments to the law so as to recognize that those who are different may still have their differences respected? I believe this is necessary, and possible. There are religions which eschew medical care, for example. While a State cannot refuse publicly-funded medical care to any citizen, nor need it be apologetic if it administers medical care in a way which is blind to religion – there can be room for the State to say that any one who wants to opt out of medical care, for whatever reason religious or not, to be able to do so. In areas such as this, State coercion is out of place.

To give another example: some religions mandate certain head-dress as a matter of faith, or mandate the burial of the dead in a certain manner. These mandatory religious requirements may go against the grain of the majority of the citizens’ positions. In fact, the minority position may even be appalling to the minds of the majority. It is acceptable for the State to negotiate compromises with these minority religious groups while ensuring that laws on basic public health and safety are complied with by the majority. Unless the security of the State is manifestly at stake, compromises to the mainstream positions must be allowed.

It is not always the new or minority religion which strikes out on a maverick path. An established mainstream religion like Christianity, for example, actually teaches its adherents to obey the State and its laws, to live at peace with all people and to respect authorities.[26] Nonetheless, a leader may arise who would mis-interpret the teachings; or teach contrary to those very teachings he is supposed to expound.

If his audience remains closed to the State, an injustice is done to the State for it has no right of reply. Its arena is the public square, but the debate is one-sided and never leaves the private confines of the church where it is preached. Even if the views of such a religious leader spills over to the public space, he may couch his talks as religious teachings which the State should not interfere in. Here, the religious leader is telling the political leader to stay out of his field, but he considers himself free to play in the political leader’s field. This is akin to a soccer player going to a rugby field and insisting that they play rugby by soccer rules.

The danger here is that religious leaders often command strong followings and are rarely questioned by devotees even when they begin to act irresponsibly. Such a danger is very real in Asian cultures where respect of the teacher or guru is paramount, and where much of the populace is too poorly educated or informed to make intelligent choices and critiques of what is told to them. Abhorrent or aberrant views are on e thing – but when these views seek to destroy the State or its devotees – the State must perforce step in. Abuses such as happened with the Aum Shinrikyo cult in Japan or the Waco cult in Texas, USA, must be nipped in the bud – or resolutely closed down - before they endanger the public and national well-being.

As to when a religious group has reached that level of insidiousness is something that has to be worked out through experience and learning from other countries. I am happy to commend at this stage, therefore, Vietnam’s efforts in organizing this conference so that exchanges of views and experiences is possible for the mutual learning and good of all participants and their countries. I respectfully submit that countries must treat such cases with patience and a light hand wherever possible – and develop a system where dangerous new beliefs can be curtailed early. Again, this may not be the role that government should play directly. It is the role that should be performed by experts in religion who can be professional and unbiased in their views. I see such a role being played in Vietnam by the Institute of Religious Studies in the Vietnam Academy of Social Sciences – the hosts of our conference.

E. ATTITUDE OF SINGAPORE LAWS TO NEW AND MINORITY RELIGIONS[27]

No religious group is banned in Singapore, as long as they are properly registered as societies under the Societies Act (which applies to all gatherings of persons, whatever their cause or objective) or as companies under the Companies Act (again applicable to all organizations, commercial or not-for-profit[28]). The Jehovah’s Witnesses advocate civil disobedience and its members refuse to serve National Service[29]. They are one of the only two[30] religious groups which have their activities proscribed[31] - not primarily for religious reasons, but for their refusal to serve national service[32]. This is a means of ensuring all citizens are treated equally and fairly and bear their duties as citizens without justifiable exception[33].

The only laws which to some extent restrict free religious expression would be the laws on defamation,[34] the Maintenance of Religious Harmony Act[35] and the Undesirable Publications Act.[36] In Singapore, the Sedition Act has also been used to bring to task racists and religious bigots who espoused inflammatory views on their blogs.[37]

Adjustments have been made in numerous areas to accommodate the needs and beliefs of minority religions. Let me give some examples.

Muslims are allowed to use Syariah[38] law as their personal law, and take themselves out of the general law on matters such as marriages, death, wills and succession, and child custody.[39] As land is short in Singapore, the government encourages families to cremate rather than bury their dead. Muslims, Jews and other religions that forbid cremation[40], however, are allowed to bury their dead with lower fees than those religions which do not prohibit cremation. Sikh men are permitted to keep their mandatory turbans on even though the rest of the population have to wear safety helmets when riding motor-cycles. Sikh men serving in the uniformed forces like the Army and the Police are allowed to integrate their turbans into the uniform instead of wearing the prescribed head-dress.[41]

Another example: While the Courts require testimony on oath, the law accepts that religions other than Christianity (and even some Christians) do not practice swearing before a Divine Being – and so allows an affirmation to have the same effect as an oath.[42] Examples of such exceptions and adjustments abound in the laws and policies of Singapore, but I hope the above is sufficient to give a flavour of all the accommodations made by the State to ensure that religios practitioners are not coerced into situations where they have to betray their own beliefs because of the State’s insensitivities

F.    CONCLUSION

I do not claim that Singapore has got the balance correct – or even that the application of the policies have always been consistent. What I hope I have shown is that it is possible for a secular State to allow freedom of adult choice in religion in a multi-ethnic society without having to take sides with any religion. If adjustments to the laws, regulations and policies are needed, these can be made in situations where to do otherwise would make it appear that the State is forcing the religionists to disobey a mandatory rule in their religion.

In a case where the State has to decide if a rule is mandatory or not – it does not make an adjudication alone but discusses with the leaders of the religious community concerned. The eventual decision made is thus still an independent government decision but made in consultation and based on objective considerations. For example, a rule which is full of exceptions, or a rule which has not been demanded traditionally (but is the result especially of interpretation by a new school of thought) is looked upon with less favour than a long-held view. Where there are differences, the State urges religious leaders to be tolerant and to teach their members to be sensitive to others with different beliefs, and not to provoke violence by any so-called religious act.

The State, on matters of religion , works assiduously with experts in the area – not just experts from within the religious groups, but also academics and objective third party experts in think-tanks and universities. Where possible, it keeps close communication with the leaders of national groupings or federations of  religionists[43] rather than individual congregations – thus encouraging the formulation of common ground amongst co-religionists. This is a natural mechanism to weed out the aberrant and distorted positions which are offensive to the majority, without the State having to exercise any coercive power or adjudicating function.

In the practice of their religion, all religious devotees, like all other citizens, have to obey the law of the land. Ultimately, the State reserves its most powerful and restrictive weapons in extreme situations where a person or group of persons are recalcitrant and do not acknowledge that what they are doing will inflame sensitivities and cause racial and religious disharmony and disruption of order and peace.

________________________________________

[1] Singapore Population Census 2000: see http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/indicators.pdf; also, for details on religion, see http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[2] See Singapore Census 2000: http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/topline7.pdf and the update accessed on 30 Aug 2006, http://www.singstat.gov.sg/keystats/mqstats/indicators.html#population (798,000).

[3] A full version of the Consitution can be accessed for free at statutes.agc.gov.sg (hereafter referred to as “Constitution”).

[4] Art 153A, Constitution.

[5] Equal protection, Art 12 Constitution:

 “(1) All persons are equal before the law and entitled to the equal protection of the law.

(2) Except as expressly authorised by this Constitution, there shall be no discrimination against citizens of Singapore on the ground only of religion, race, descent or place of birth in any law or in the appointment to any office or employment under a public authority or in the administration of any law relating to the acquisition, holding or disposition of property or the establishing or carrying on of any trade, business, profession, vocation or employment.

(3) This Article does not invalidate or prohibit —

(a) any provision regulating personal law; or

(b) any provision or practice restricting office or employment connected with the affairs of any religion, or of an institution managed by a group professing any religion, to persons professing that religion,

Freedom of speech, assembly and association, Art 14, Constitution:

”(1) Subject to clauses (2) and (3) —

(a) every citizen of Singapore has the right to freedom of speech and expression;

(b) all citizens of Singapore have the right to assemble peaceably and without arms; and

(c) all citizens of Singapore have the right to form associations.

(2) Parliament may by law impose —

(a) on the rights conferred by clause (1) (a), such restrictions as it considers necessary or expedient in the interest of the security of Singapore or any part thereof, friendly relations with other countries, public order or morality and restrictions designed to protect the privileges of Parliament or to provide against contempt of court, defamation or incitement to any offence;

(b) on the right conferred by clause (1) (b), such restrictions as it considers necessary or expedient in the interest of the security of Singapore or any part thereof or public order; and

(c) on the right conferred by clause (1) (c), such restrictions as it considers necessary or expedient in the interest of the security of Singapore or any part thereof, public order or morality.

(3) Restrictions on the right to form associations conferred by clause (1) (c) may also be imposed by any law relating to labour or education.”

Freedom of religion, Art 15 Constitution:

“(1) Every person has the right to profess and practise his religion and to propagate it.

(2) No person shall be compelled to pay any tax the proceeds of which are specially allocated in whole or in part for the purposes of a religion other than his own.

(3) Every religious group has the right —

(a) to manage its own religious affairs;

(b) to establish and maintain institutions for religious or charitable purposes; and

(c) to acquire and own property and hold and administer it in accordance with law.

(4) This Article does not authorise any act contrary to any general law relating to public order, public health or morality.”

There are, in addition, two Constitutional provisions on the position of minorities and minority religions (Arts 152 and 153):

“Minorities and special position of Malays

152. —(1) It shall be the responsibility of the Government constantly to care for the interests of the racial and religious minorities in Singapore.

(2) The Government shall exercise its functions in such manner as to recognise the special position of the Malays, who are the indigenous people of Singapore, and accordingly it shall be the responsibility of the Government to protect, safeguard, support, foster and promote their political, educational, religious, economic, social and cultural interests and the Malay language.

Muslim religion

153. The Legislature shall by law make provision for regulating Muslim religious affairs and for constituting a Council to advise the President in matters relating to the Muslim religion.”

[6] For example, when memorial services are conducted for those who have died in national disasters (such as when SQ006 crashed in Taipei airport) and prayers are offered as part of the service; or when prayers are offered to bless Singapore Armed Forces officer cadets at their passing out parade and at the dedication of public works.

[7] The Singapore Census 2000 had these figures for the population aged 15 years and over: Buddhism – 42.5% (often combined with Daoism, because most Singaporean Chinese are followers of an ecclectic combination which includes both religions at the same time plus sometimes Confucianism and animism); Taoism (or Daoism) - 8.5%; Christianity - 14.6%; Islam - 14.9%; Hinduism - 4%; Other religions - 0.6% ; No religion - 14.8% ; see http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/indicators.pdf; http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[8] Their website is: www.iro.org.sg .For a general introduction to the religions of Singapore, see http://www.sg/explore/people_religions.htm.

[9] Though many are officially listed as Buddhists, many Chinese practice an eclectic religion - as described in footnote 8 above. 64.4% of Chinese are Buddhist/Daoist; 99.6% of Malays are Muslim; 55.4% of Indians are Hindus; See Singapore Census 2000, Table 39, http://www.singstat.gov.sg/keystats/c2000/r2/t38-45.pdf.

[10] In Singapore, this term is used to refer to people whose forebears were from the Indian sub-continent, including Sri Lanka – and not just to the Republic of India.

[11] The adherents are mainly ethnic Chinese, who refer to it as De jiao (loosely translated as  “the Moral Religion”, or “Religion of Virtues”). The main Singapore centre is located at Bukit Merah Central, and it is known as "Chong Hua Tong Tou Teck Hwee Building". Their first centre was located at Upper Serangoon Road, called the “Chee Hwan Kog Building”, but they have relocated to Sengkang. They also work hand-in-hand with "De Jiao" welfare service communities such as the Thye Hua Kwan Moral Society and the Chee Hoon Kog Moral Promotion Society. In Taiwan, it is known as the “I Kuan Tao” (“Unity”) religion, and is the third most popular religion there. Prior to the 80’s, this religion was banned in Taiwan.

[12] This is a religion which originates from India, whose founder is still living and who calls himself “Sai Baba”. Officially, it is known as the Sathya Sai Organisation.

[13] Animists essentially worship spirits, which can be found anywhere – in trees, rocks, animals etc – and may be the spirits of departed family members. Amulets are created and spells are cast with the help of these spirits primarily to protect against malevolent spirits. Sometimes spirit houses are built to house these spirits so that they will not inhabit the homes of believers nor harass them in their homes.

[14] For example Falungong Buddhism, which started in China and is banned there. The Falungong religion is registered as a society in Singapore and are not banned from practicing their beliefs in Singapore. Occasionally, Falungong members are arrested for illegal assembly, however, when they gather together to demonstrate without applying for permits. All gatherings of five or more persons in Singapore are unlawful assemblies unless they have a police permit: section 141 Penal Code -

“141. An assembly of 5 or more persons is designated an “unlawful assembly”, if the common object of the persons composing that assembly is —

(a) to overawe by criminal force, or show of criminal force, the Legislative or Executive Government, or any public servant in the exercise of the lawful power of such public servant;

(b) to resist the execution of any law, or of any legal process;

(c) to commit any mischief or criminal trespass, or other offence;

(d) by means of criminal force, or show of criminal force, to any person, to take or obtain possession of any property, or to deprive any person of the enjoyment of a right of way, or of the use of water or other incorporeal right of which he is in possession or enjoyment, or to enforce any right or supposed right; or

(e) by means of criminal force, or show of criminal force, to compel any person to do what he is not legally bound to do, or to omit to do what he is legally entitled to do.”

Under the Miscellaneous Offences (Public Order and Nuisance) (Assemblies and Procession) Rules 1989, a police permit is required for any assembly or procession of 5 or more persons in any public road, public place or place of public resort intended:

(a) to demonstrate support for or opposition to the views or actions of any person;

(b) to publicise a cause or campaign; or

(c) to mark or commemorate any event.

The Soka Gakkai, which originated in Japan,  is another controversial Buddhist sect which is present but not banned in Singapore.

[15] Singapore’s history has seen three episodes of inter-racial rioting and this drives the government’s policies. The Maria Hertogh riots in 1950, which resulted in 18 deaths, was the result of a colonial judge’s decision that a Dutch girl who had been brought up in a Muslim home and who was married to a Muslim man, be returned to her parents and have her marriage annulled. The appalled Muslim community took to the streets in violent protests and attacked all Caucasians and Caucasian-looking people. Racial riots broke out again in 1964 (twice, in July- 23 deaths, 454 injured persons - and in September with 13 deaths and 103 injured.) The riots appeared to be one pitting the Chinese against the Malays – and the July riot had apparently been started by scuffles between Chinese on-lookers and participants at a religious procession honouring the Prophet Muhammad. In retrospect, both riots probably had more to do with politics than race or religion. See Lee Kuan Yew, The Singapore Story: Memoirs of Lee Kuan Yew,  Prentice Hall, 1998, pp143-144; 556-559, 662-663. Riots flared up in Malaysia in May 1969, a clash that began because of unhappiness with a political position (the opposition and multi-racial but seen as mainly Chinese Democratic Action Party had made great inroads against the ruling Malay party, the United Malays National Organisation). These riots spread to Singapore, as tensions between Malays and Chinese rose, resulting in 4 deaths and 60 persons injured.

Nevertheless, the Government announced the creation by the religious bodies in Singapore of a Declaration of Religious Harmony in June 2003 (after the fateful “9/11” terrorist attacks in New York City) which reads:

“We, the people in Singapore, declare that religious harmony is vital for peace, progress and prosperity in our multi-racial and multi-religious Nation.

We resolve to strengthen religious harmony through mutual tolerance, confidence, respect, and understanding.

We shall always

                        Recognise the secular nature of our State,

                        Promote cohesion within our society,

Respect each other’s freedom of religion,

Grow our common space while respecting our diversity,

Foster inter-religious communications,

 and thereby ensure that religion will not be abused to create conflict and disharmony in Singapore.”

See http://www.mcys.gov.sg/MCDSFiles/download/Dec_relig_harmony.doc. At the same time, an Inter-Religious Harmony Circle was formed comprising of leaders from the various religious groups in Singapore to foster mutual understanding and tolerance. As a parallel development at the grassroots or neighbourhood levels, Inter-racial Confidence Circles have been formed to build and maintain trust amongst the races. In addition, Racial Harmony Day is celebrated in July each year to remember the impact of the 1964 riots. For a commentary on the Declaration, see Thio, Li-ann “Constitutional Soft Law and the Management of Religious Liberty and Order: The 2003 Declaration on Religious Harmony” In (2004) Singapore Journal of Legal Studies, 2, pp. 414-434.

[16] See Lim, op cit, fn 1.

[17] Karma is the belief that the actions of a person in this life affects his life when he is reincarnated. The situation of a person in this life is thus also affected by what he did in his past lives.

[18] Nirvana is the belief that when a person is finally enlightened, he will merge into nothngness – which is a state of bliss.

[19] In the 1980 Singapore Census, its devotees made up only 27% of the population. The numbers were even smaller earlier on in the century.

[20] Thus in Singapore we have the Inter-Religious Organisation and constant efforts by the Inter-Racial Confidence Circles of grassroots organizations to organize visits to each others’ religious establishments and to having public lectures on various faiths delivered by the adherents for the uninitiated.

[21] In the practice of Daoism in Singapore, Daoists (and some Buddhists) burn joss paper and joss sticks as offerings on their feast days. This causes air pollution and litter when done indiscriminately. The Singapore Government provides  bins and pits at specific locations  in the public housing estates for the burning of such joss paper and limits the size of joss sticks (especially at one time when the practice appeared to take on a competitive air, with devotees burning ever-bigger joss-sticks with each passing year). See one news report,  http://www.singapore-window.org/80217sc.htm. For the specific regulations on burials, air pollution from burning joss-papers and joss-sticks, see http://app.nea.gov.sg/cms/htdocs/category_sub.asp?cid=180. Another example of reduction of friction comes in the way mosques in Singapore turn their loud-speakers inwards and their reducing the volume so that the Call to Prayer of the Faithful does not disturb the peace of their neighbours. This call, however, reaches the home of every Muslim believer who has his radio tuned to the Malay language channel.

[22] So in 1990, the Government passed the Maintenance of Religious Harmony Act, Cap 167A, to ensure that religious practices did not provoke or incite adverse behaviours, through offensive or insensitive statements and conduct (such as deriding the practices, teachings or leaders of other religions). The actions covered are, specifically: a) causing feelings of enmity, hatred, ill-will or hostility between different religious groups;

(b) carrying out activities to promote a political cause, or a cause of any political party while, or under the guise of, propagating or practising any religious belief;

(c) carrying out subversive activities under the guise of propagating or practising any religious belief; or

(d) exciting disaffection against the President or the Government while, or under the guise of, propagating or practising any religious belief.

[23] A religion which advocates the freeing of slaves in a society where slaves are the mainstay of the economy, for example, may be seen as threatening the fabric of society and the rulers which such an economy keeps in place. Some observers think this is the basis behind the reaction of the Southern American states to the message of the anti-slavery movement – thus creating tensions which erupted into the American Civil War. Christianity was then an old religion, but the re-interpretation of the Northern American Christians was one which advanced the idea that all men were created equal by God and had equal rights to dignity, liberty and property.

[24] Sunlight is the best disinfectant,” a well-known quote from U.S. Supreme Court Justice Louis Brandeis, refers to the benefits of openness and transparency and unrestrained debate. This is a philosophy that is deeply entrenched in America. It is not a concept which is easily transplanted in Asia, where many cultures value consensus over contention; where the teacher and elderly are highly respected and even venerated, so contrary views are not expressed in their presence; and where “face” is so important that a person who is contradicted feels intense humiliation and becomes so angry to the point of personal animosity. In such situations, the open debate produces more heat than light and creates animosity, not enlightenment as its proponents assert. The full Brandeis quote is : “Publicity is justly commended as a remedy for social and industrial diseases. Sunlight is said to be the best of disinfectants; electric light the most efficient policeman.” (Justice Louis Brandeis, Other People’s Money, and How the Bankers Use It, 1933). Brandeis further elaborated this point in the case of Whitney v. California, 1927 (concurring opinion) : “The path of safety lies in the opportunity to discuss freely supposed grievances and proposed remedies; and the fitting remedy for evil counsel is good ones.”

[25] And hence have no stake nor interest in preserving or protecting Singapore and its institutions (and thus do not suffer the consequences of his remarks if Singapore fails), nor sufficient knowledge of its conditions and situations to comment fairly and adequately.

[26] For example, Jesus said in the Gospel of Matthew 22:21, “Give to Caesar what is Caesar's, and to God what is God's” when asked if His disciples should pay tax (the answer is “Yes” because the coin to pay the tax belongs to Caesar!); the Apostle Paul preached too on the need to respect governments and their laws and enforcement machinery (The Book of Romans Chapter 13, verses 1-7):

“ 1Everyone must submit himself to the governing authorities, for there is no authority except that which God has established. The authorities that exist have been established by God.

2Consequently, he who rebels against the authority is rebelling against what God has instituted, and those who do so will bring judgment on themselves.

3For rulers hold no terror for those who do right, but for those who do wrong. Do you want to be free from fear of the one in authority? Then do what is right and he will commend you.

4For he is God's servant to do you good. But if you do wrong, be afraid, for he does not bear the sword for nothing. He is God's servant, an agent of wrath to bring punishment on the wrongdoer.

 5Therefore, it is necessary to submit to the authorities, not only because of possible punishment but also because of conscience.

6This is also why you pay taxes, for the authorities are God's servants, who give their full time to governing.

7Give everyone what you owe him: If you owe taxes, pay taxes; if revenue, then revenue; if respect, then respect; if honour, then honour.”

And so did the Apostle Peter (First Peter Chapter 2, verses 13-17):

“ 13Submit yourselves for the Lord's sake to every authority instituted among men: whether to the king, as the supreme authority,

14or to governors, who are sent by him to punish those who do wrong and to commend those who do right.

15For it is God's will that by doing good you should silence the ignorant talk of foolish men.

16Live as free men, but do not use your freedom as a cover-up for evil; live as servants of God.

17Show proper respect to everyone: Love the brotherhood of believers, fear God, honour the king.”

[27] For a critique of some of these laws, see “The International Religious Freedom Report 2005” issued by the US Bureau of Democracy, Human Rights  and Labor at http://www.state.gov/g/drl/rls/irf/2005/51529.htm ; Lily Zubaidah Rahim, “Minorities and the State in Malaysia and Singapore: Provisions, Predicaments and Prospects” in the report of the United Nations Commission on Human Rights, Sub-Commission on Promotion and Protection of Human Rights Working Group on Minorities, Ninth Session, 2003 (E/CN.4/Sub.2/AC.5/2003/WP.12 dated 5 May 2003).

[28] Some religious organizations are registered as companies limited by guarantee, a format which is permitted under Singapore law for any organization which exist not-for-profit. Others exist because they were created by private Acts, which are legislation introduced by legislators on the special request of the organizations involved. Most of these were ordinances passed prior to Singapore’s independence and continue to be laws in force. Examples of these laws include the Bishop of Singapore Ordinance, Cap 355; the Hindu Endowments Act, Cap 364; and  the Jewish Synagogue Ordinance, Cap 365.

[29] All men eighteen years to fifty are obliged to serve in Singapore’s conscript army.

[30] The other is the Unification Church (“UC”) or “Moonies” whose registration as a society was revoked in 1982 because of their encouraging of children to lie to their parents and other practices which caused parents concern. This is the report of their second banning in 1990 (at http://www.whyaretheydead.net/misc/Factnet/CO0590AC.TXT) (incidentally the society banned was registered as “The Moral Home Society” and not the Unification Church).

 

The government decided that the UC's "continued existence was prejudicial to public welfare and good order." But the government allowed to remain open the church's commercial arm, Tongil Singapore.

 

The government statement objected to the Moonies' presence in Singapore because the group:

 

-              Asked students to lie to their parents, telling them that they were staying with friends or in hostels when they were actually attending UC workshops on campus.

 

-              Urged students to treat parental objections to their involvement as "satanic interference," and to leave their homes.

 

-              Urged members to conceal from prospective members the fact that they would be jointing the Moonies' movement.

 

-              Asked members to lie to schools or institutions, saying that they were going on an educational tour, when they were really attending a Moonies' conference in London in August 1989.

 

-              Claimed that the Moral Home Society had government support, and got Malaysians to join the group by promising them permanent residency in Singapore.

 

-   Urged followers "to sacrifice their careers and forsake their loved ones" to adopt and spread the Moonies' way of life.

 

The government report also noted that local leaders of the group preached values that could harm a multi-religious society such as Singapore, and cited one Moonie leader telling forty workshop participants to memorize that Christianity was a "poison" and was "foolish" doctrine. He also said that governments which did not believe in the Divine Principle (the summation of UC teachings) were satanic.

 

The Singapore Government statement concluded: "Since the Moral Home Society is a front to revive the Moonie movement in Singapore, and since its teachings and methods will harm religious harmony, family life, and social cohesion in Singapore, the government has decided to dissolve the society. “ From Take a Closer Look (Vol 11 No 6 July/August 1990,  newsletter of CCG Ministries, Perth, Australia), available by subscription from http://www.ccgm.org.au/Pages/0002-D.htm.

[31]  They are not exactly “banned” as religious groups.

[32] In 1996, a Singapore Court of Appeal case affirmed their ability to practice their religion freely, and Jehovah’s Witnesses meeting in their homes are not harassed nor arrested. The case in question is Chan Hiang Leng and Others v Minister for Information and the Arts [1996]1 SLR 609:

Facts

The appellants were ministers of a Christian denomination known as Jehovah’s Witnesses (JW). The International Bible Students Association (IBSA) and Watch Tower Bible and Tract Society (WTBTS) were organisations under the ambit of the denomination. By Order 179 of 1972, the Minister for Home Affairs deregistered the local chapter of the denomination, the Singapore Congregation of Jehovah’s Witnesses (SCJW). At the same time, by Order 123 of 1972, the Minister  declared all publications of WTBTS to be prohibited publications. By Order 405/94, the respondent Minister for Information and the Arts prohibited the importation, sale or distribution of publications of the IBSA. The appellants’ application for leave of court to apply for certiorari and a declaration that Order 405/94 was invalid was refused, and they appealed. The issues before the court were: (a) whether the appellants had locus standi as the JWs were an unlawful group; (b)

Held, dismissing the appeal:

(1)    The appellants were not challenging Order 405/94 as members of any group, but as citizens of Singapore. They were merely trying to invoke their constitutional rights as citizens. What was complained of here was an alleged violation of a citizen’s constitutional rightr under art 15 of the Constitution to profess, practice and propagate their religion. Such rights were constitutionally enshrined, and if a constitutional guarantee was to mean anything, it must mean that any citizen could complain to the courts if there was a violation of it. A citizen should not have to wait until he was prosecuted before he could assert his constitutional rights. There was thus no need for the appellants to show that they were office holders in IBSA or members thereof. Their right to challenge Order 405/94 arose not from membership of any society, but from every citizen’s right to profess, practice and propagate his religious beliefs. If there was a breach of art 15, such a breach would affect the citizen qua citizen. If a citizen did not have sufficient interest to see that his constitutional rights were not violated, then it was hard to see who had.

(2)    What the appellants were doing did not amount to an assertion of a right to propagate the beliefs of an unlawful society. There was no provision in either the Societies Act (Cap 311) or the Undesirable Publications Act (Cap 338) which prohibited the holding of a religious belief. It was, therefore, not illegal to profess the beliefs of Jehovah’s Witnesses per se, nor was it an offence to be a Jehovah’s Witness. The relevant orders provided that in pursuing these activities, JWs may not be members of the SCJW or any other unregistered society and they may not have access to the prohibited publications.

(3)    It was settled law that issues of national security were not justiciable. The court’s function was only to see that there was evidence that the decision was based on consideration of national security. It was not disputed that JWs refused to do National Service and that this was a central tenet of their faith. It was the appellants’ own case that publications of IBSA were essential for the appellants in the profession, practice and propagation of their faith. It followed that these publications were essential for the profession, practice and propagation of beliefs, a central tenet of which was the refusal to do National Service. This established the factual basis that issues of national security were involved here.

(4)    Proportionality as a ground of judicial review was not well established. It was questionable whether proportionality existed separate ground for judicial review or whether it was simply an adjunct of irrationality.

(5)    At this initial stage of application for leave, the court was prepared to accept that Order 405/94 deprived JWs who were women or senior citizens, and who were not required to do National Service, of literature necessary for the profession, practice and propagation of their religious belief. The court was even prepared to accept that there could well be other less restrictive methods which the minister could conceivably adopt.

(6)    However, there was no reason why the minister may not consider it necessary to prohibit the King James’ version of the Bible printed by IBSA as part of a broader order banning IBSA publications in view of the fact that the same version printed by other sources was readily available. The appellants’ case, put at its highest, was insufficient to show that might turn out to be an arguable case that the minister had acted irrationally when he issued Order 405/94. The appellants failed to satisfy the court on even the very minimal requirement that they had something which might turn out to be an arguable case for judicial review. Appeal dismissed.

The International Religious Freedom Report 2005 in fact estimates their number in Singapore to be about 2000 members, having grown ten-fold since they were “banned” in 1972.

In contrast, Seventh day Adventists, who are pacifists but who do not refuse to serve national service, are allowed to enroll in non-combat national service posts where they are exempted from carrying arms. The Falungong are not banned because they  generally do not advocate civil disobedience or BLATANT violation of the laws of Singapore (their publication, Epoch Times, has a printing permit; even their occasional illegal gatherings are small and non-violent activities). They advance their views vigorously, regularly spamming the email accounts of politicians and government officials – but their right to do so has never been proscribed nor punished in any way.

[33] Exceptions are made for such conditions as physical disability or mental incapacity; or perhaps extreme familial hardship (for example, the enlistment of the sole able-bodied breadwinner in national service deprives the family of someone to care and provide for them.

[34] Applicable to all persons in all situations where a writer or speaker makes statements which tend to lower the reputation of others.

[35] This Act allows the government to prohibit religious expression which causes religious disharmony.

[36] Publications which are likely to cause feelings of enmity, hatred, ill-will or hostility between different racial or religious groups. are prohibited by this law: section 4, Undesirable Publications Act, Cap 338

 “(1) For the purposes of this Act, a publication is objectionable if, in the opinion of any controller, it or (where the publication comprises 2 or more distinct parts or items) any one of its parts or items describes, depicts, expresses or otherwise deals with —

(a) matters such as sex, horror, crime, cruelty, violence or the consumption of drugs or other intoxicating substances in such a manner that the availability of the publication is likely to be injurious to the public good; or

(b) matters of race or religion in such a manner that the availability of the publication is likely to cause feelings of enmity, hatred, ill-will or hostility between different racial or religious groups.

[2B

[9/98]

(2) In determining for the purposes of this Act whether or not any publication is objectionable, the following matters shall be considered:

(a) the extent and degree to which, and the manner in which, the publication —

(i) describes, depicts or otherwise deals with acts of torture, the infliction of serious physical harm, sexual conduct or violence or coercion in association with sexual conduct;

(ii) exploits the nudity of persons or children or both;

(iii) promotes or encourages criminal acts or acts of terrorism;

(iv) represents, directly or indirectly, that members of any particular community or group are inherently inferior to other members of the public or of any other community or group;

(b) the impact of the medium in which the publication is presented;

(c) the character of the publication, including any merit, value or importance that the publication has in relation to literary, artistic, social, cultural, educational, scientific or other matters;

(d) the standards of morality, decency and propriety that are generally accepted by reasonable members of the community; and

(e) the persons, classes of persons or age groups of the persons to whom the publication is intended or is likely to be made available.

[9/98]

(3) The question whether or not a publication is objectionable is a matter for the expert judgment of any person authorised or required by or pursuant to this Act to determine it, and evidence as to or proof of any of the matters or particulars that the person is required to consider in determining that question is not essential to its determination except that if such evidence or proof of such matters or particulars is available, that person shall take that evidence or proof into consideration.

[9/98]

(4) The Chief Controller shall keep and maintain a Register of Objectionable Publications containing all publications which any controller determines to be objectionable.”

[37] For example: In 2005, Benjamin Koh and Nicholas Lim, both bloggers, were convicted in the Subordinate Courts of Singapore. Benjamin Koh was convicted on two charges for offences under section 4(1)(a) and punishable under section 4(1) of the Sedition Act, that he did acts which had seditious tendencies to promote feelings of ill-will and hostility between different races and classes of the population of Singapore by posting anti-Malay and anti-Muslim remarks on his web log ‘Phoenyx Chronicles’ at www.upsaid.com. Nicholas Lim was convicted for a similar offence for posting anti-Muslim

remarks on the General Discussion Forum of www.doggiesite.com. Benjamin Koh was sentenced to serve one month’s imprisonment on each of the two charges . The Court sentenced NicholasLim to a nominal one day imprisonment and the maximum fine of $5000 in default one month’s imprisonment on his convicted charge as it deemed his offence less serious since the words he used were less inflammatory.

[38] Pronounced “Shar’ia” and more commonly spelled that way in other countries – “Syariah” is the standardized Malay spelling in Indonesia, Malaysia, Brunei and Singapore.

[39] See The Administration of Muslim Law Act, Cap 3.

[40] The Zoroastrians have a practice called “sky burial” – where the bodies of the dead are left at a high place open to the sky. Vultures are then allowed to pick on the bones till they are cleaned  of the flesh. Singapore does not allow “sky burial” for health reasons – it is an urban environment with no vultures any way - but the community long ago modified their burial practices. Since they believe that a dead body cannot be allowed to come into contact with the earth in order not to contaminate it, Parsis (as the ethnic group which practices this religion is called) bury their dead in concrete coffins.

[41] Accommodation has been worked out with the leaders of the Muslim community to accept that the request of some Muslim parents to have their daughters’ heads covered by a head-covering (called a “tudung”) cannot be acceded to. This is because non-religious schools require all students to put on standard uniforms for social cohesion, integration and disciplinary reasons – and allowing religious dress of any sort can upset that cohesion. Where the educational institution does not have a compulsory dress code, as in the polytechnics, universities and some private schools, these girls are allowed to wear their tudungs if they so wish. They may also go to religious schools called madrassahs, where such head-dress is obligatory.

[42] Example from the Oaths and Declarations Act, Cap 211 – (FORM OF JUDICIAL OATH)

“I, .........................................................., do swear that I will well and truly serve the Republic of Singapore in the office of .......................................... and I will do right to all manner of people after the laws and usages of Singapore without fear or favour, affection or ill-will. So help me God.”

But section 16 of the Act says:

“Any person who —

(a) is a Hindu or Muslim or of some other religion according to which oaths are not of binding force; or

(b) has a conscientious objection to taking an oath,

and who is required to take an oath of office or judicial oath under any written law may, instead of taking the oaths referred to in section 15 (1) or (2), as the case may be, make an affirmation in the form of those oaths, substituting the words “solemnly, sincerely and truly declare and affirm” for the word “swear” and omitting the words “So help me God”.

[43] In this respect, the Singapore government works very closely with groups like the Singapore Buddhist Federation, the National Council of Churches, the Graduates’ Christian fellowship, the Islamic Religious Council and the Hindu Endowments Board. See for example the composition of the Inter-Religious Harmony Circle, on the website of the Ministry of Community, Youth and Sports, fn 16.

 

Các tin khác............................

Các tin đã đưa ngày: