Viện Khoa học xã hội Việt Nam - tên giao dịch quốc tế là Vietnam
Academy of Social Sciences - có tiền thân từ Ban nghiên cứu Văn học,
Lịch sử và Địa lý (gọi tắt là Ban nghiên cứu Văn - Sử - Địa) được thành
lập ngày 2 tháng 12 năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân
Pháp.
Viện Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan khoa học thuộc Chính
phủ, có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, cung cấp các
luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược và chính sách
phát triển nhanh, bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ
nghĩa; tổ chức, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất
lượng cao về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã
hội trong cả nước.
Viện Khoa học xã hội Việt
Nam đã có một quá trình phát triển nhanh chóng. Ban nghiên cứu Văn - Sử -
Địa là tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, và trải qua các
thời kì phát triển với nhiều tên gọi khác nhau: Ủy ban Khoa học xã hội
Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và
Nhân văn Quốc gia, đến nay, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có một đội
ngũ đông đảo những người làm công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư
vấn chính sách với gần 1.500 người, trong đó có hơn 600 cán bộ có học
hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ cùng
với phần lớn số cán bộ còn lại là cử nhân ở các ngành khác nhau làm
việc trong 30 viện nghiên cứu, 5 cơ quan giúp việc Chủ tịch Viện, 4 cơ
quan sự nghiệp và 2 nhà xuất bản.
Hiện nay, Viện Khoa học xã
hội Việt Nam có 17 cơ sở đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ thuộc các lĩnh vực
chuyên ngành ở 17 viện trực thuộc. Tháng 1/2010 Học viện Khoa học xã hội
trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam được chính thức thành lập
(Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm
thống nhất và đồng bộ hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
cho đất nước.
Trong quan hệ quốc tế,
Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ký văn bản hợp tác khoa học với nhiều
viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới, như: Viện Hàn lâm khoa
học Nga, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Hội đồng khoa học xã
hội Pháp, Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ, Đại học quốc gia Tokyo (Nhật
Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Viện
Khoa học xã hội quốc gia Lào… Viện cũng đã mở rộng các quan hệ hợp tác
với các tổ chức quốc tế đa phương nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi học
thuật, phối hợp nghiên cứu, hội thảo và đào tạo cán bộ.
Viện Khoa học xã hội Việt Nam là thành viên của Hội các Viện Hàn lâm thế giới.
Trong quá trình xây dựng
và phát triển, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan
trọng vào sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn nước nhà. Hàng
nghìn đầu sách đã được công bố. Hàng vạn bài báo khoa học của các nhà
nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã được đăng trên các tạp
chí khoa học trong và ngoài nước. Nhiều chương trình nghiên cứu cấp Nhà
nước, đề tài độc lập cấp Nhà nước và cấp Bộ được thực hiện thuộc các
lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… phục vụ đắc lực sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nhiều cuộc Hội thảo
lớn, quốc tế và quốc gia do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì đạt
kết quả tốt, như Hội thảo 500 năm sinh Nguyễn Trãi, kỷ niệm 100 ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội thảo “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Hội thảo
quốc gia và quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội
thảo quốc tế Việt Nam học…
Nhiều nhà khoa học thuộc
Viện Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ đã được nhận các giải
thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Các
nhà khoa học vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là: GS.VS. Trần
Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy
Anh, Trần Văn Giáp, Trần Văn Giàu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Trần
Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Vũ Khiêu, Phạm Huy Thông, Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia
Khánh, Hà Văn Tấn, Hồ Tôn Trinh.
Trong thời kỳ đổi mới và
phát triển đất nước hiện nay, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tập trung
nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu
hướng phát triển chủ yếu trên thế giới và khu vực, đánh giá những tác
động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến sự
phát triển toàn cầu, khu vực và Việt Nam; nghiên cứu những khía cạnh
khoa học xã hội của sự phát triển khoa học và công nghệ và nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển xã hội dân sự và nền
dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; nghiên cứu những vấn đề về dân tộc,
tôn giáo, lịch sử, văn hóa nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; nghiên cứu, tổ chức biên
soạn những bộ sách lớn, tiêu biểu cho tinh thần của trí tuệ Việt Nam và
thế giới phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục và truyền bá tri thức và
khoa học xã hội.
Viện Khoa học xã hội Việt Nam luôn thu hút được sự hợp tác khoa học
của các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước.