Lịch phục vụ
Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Islam với chính trị ở một số quốc gia Trung Đông

11/01/2018

Tôn giáo cũng có những quan hệ mật thiết trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng… ở mỗi quốc gia. Sự hiện diện của tôn giáo ở mỗi quốc gia đặt ra nhiều vấn đề về quản lý nhà nước đối với tôn giáo nhằm tạo sự ổn định cho phát triển xã hội, đồng thời định hướng cho tôn giáo tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động thế tục (như hoạt động từ thiện xã hội, hoạt động giáo dục, hoạt động y tế, hoạt động văn hóa…). Ở mỗi quốc gia, vai trò của tôn giáo trong đời sống chính trị, đời sống văn hóa, xã hội là khác nhau. Do vậy, ứng xử của mỗi quốc gia đối với tôn giáo luôn có những tác động đối với sự phát triển của xã hội.

Khu vực Trung Đông là một trong những khu vực quan trọng trên địa đồ thế giới. Dưới góc độ tôn giáo, khu vực này là cái nôi của 3 tôn giáo lớn trên thế giới: Islam giáo, Kitô giáo (chủ yếu là Công giáo) và Do Thái giáo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời các tôn giáo lớn ở khu vực này. Về mặt địa lý, Trung Đông có vị trí chiến lược quan trọng khi tiếp giáp với Châu Á, Châu Âu và Châu Phi cho nên nó có vai trò lớn trong giao thương phát triển kinh tế toàn cầu. Về mặt văn hóa, đây là nơi giao thoa của các nền văn minh lớn trên thế giới như văn minh Ấn Độ, văn minh Arab và văn minh phương Tây.… Ở đây cả 3 tôn giáo, đặc biệt là Islam giáo và Kitô giáo, đều có những vai trò nhất định trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực nói chung, mỗi quốc gia nói riêng.

Mặc dù, các nhóm tôn giáo ở khu vực này có nhiều điểm chung về giáo lý, đức tin, về sự hướng tới các hành vi tốt đẹp nhằm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhưng đây cũng là nơi thường xuyên có những xung đột, bạo động, tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Ẩn chứa bên trong những các cuộc xung đột sắc tộc chính là sự mâu thuẫn giữa các tôn giáo và nội bộ của mỗi tôn giáo (như giữa các giáo phái Islam giáo). Thủ đô Jerusalem được cả 3 tôn giáo (Islam giáo, Do Thái giáo, Kitô giáo) xác nhận là đất thánh của mình. Sự hiện diện của một số lượng lớn tín đồ các tôn giáo với các cơ sở thờ tự của mỗi tôn giáo cùng những mâu thuẫn tranh chấp chất chứa bên trong không chỉ là nguyên nhân gây nên những xung đột trong quá khứ, hiện tại mà còn là nguy cơ tiềm ẩn trong tương lai.

Mâu thuẫn giữa các tôn giáo (Do Thái giáo, Kitô giáo với Islam giáo…) và trong nội bộ một tôn giáo (dòng Shiite và dòng Sunni của Islam giáo)… làm nảy sinh chủ nghĩa cực đoan, duy trì mối hằn thù, chống đối lại chủ nghĩa hiện đại, với văn minh phương Tây để kích động tín đồ thực hiện khủng bố, tàn sát thường dân và tín đồ các tôn giáo khác, đe dọa an ninh ở khu vực và trên toàn thế giới.

Ở một số quốc gia, khi chính phủ đưa luật Sharia (hệ thống luật Islam giáo) thành luật quốc gia đã nảy sinh những bất ổn về chính trị, xã hội dẫn đến đối đầu giữa các đảng phái, tôn giáo gây nên những cuộc bạo động lật đổ.

Các nguyên cứu đã chỉ rõ tôn giáo có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội… ở mỗi quốc gia và chính sách của mỗi quốc gia đối với tôn giáo có những ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Nghiên cứu tìm hiểu về quan hệ giữa tôn giáo nói chung, Islam giáo nói riêng với chính trị của các quốc gia ở khu vực Trung Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xem xét mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Xem xét quan hệ giữa Islam giáo với chính trị ở một số quốc gia Trung Đông sẽ cho thấy những luận cứ khoa học đánh giá rõ vai trò, ảnh hưởng của Islam giáo với chính trị ở khu vực này.

Cuốn sách chia làm 2 chương:

Chương I: Những đặc điểm Islam ở khu vực Trung Đông. Trong chương này các tác giả đề cập tới các vấn đề như lịch sử quan hệ giữa Islam với chính trị ở các quốc gia Trung Đông; Vai trò của Islam trong đời sống xã hội ở các quốc gia Trung Đông; Những đặc điểm cơ bản của Islam trong đời sống xã hội hiện đại ở các quốc gia Trung Đông như Islam trở thành quốc giáo ở nhiều quốc gia, Islam có ảnh hưởng mạnh mẽ trong hệ thống chính trị ở các quốc gia, Islam chi phối các quan hệ xã hội và Islam chia tách thành các giáo phái, trường phái.

Chương II: Thực trạng quan hệ giữa Islam với chính trị ở một số quốc gia Trung Đông. Trong phần này các tác giả trình bày quan hệ giữa Islam với chính trị ở Saudi Arabia, Iraq, Turkey, Iran. Các tác giả cũng đã cho thấy những vấn đề đặt ra và khuynh hướng trong quan hệ giữa Islam với chính trị ở các quốc gia trên.

Toàn bộ nội dung cuốn sách đã làm rõ mối quan hệ giữa Islam với chính trị ở một số quốc gia Trung Đông. Đây là một trong những nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho những người quan tâm đến vấn đề này có thể tham khảo, tra cứu phục vụ cho học tập và nghiên cứu./.

 

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.