Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Điểm sách CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO VÀ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Tác giả: GS.TS. Đỗ Quang Hưng - Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2014, 567 tr.

17/04/2015

Điểm nổi bật của công trình không chỉ quan tâm đến mối quan hệ Nhà nước với Giáo hội mà còn đi sâu vào khía cạnh nhà nước pháp quyền tôn giáo. Đây là công trình nghiên cứu khá toàn diện về luật pháp tôn giáo ở Việt Nam hiện nay từ pháp lý đến quyền pháp nhân, thể nhân tôn giáo. Đó là những cơ sở để xác định hai nhóm giải pháp lớn về lý luận chính sách tôn giáo và các chính sách tôn giáo cụ thể, bao quát từ việc hoàn thiện mô hình nhà nước thế tục và luật pháp tôn giáo, điều chỉnh mô hình và thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với tôn giáo.

Qua công trình này, tác giả đã làm rõ chủ đích:

- Nhiệm vụ cơ bản của chính sách tôn giáo nói chung và xây dựng nhà nước pháp quyền về tôn giáo nói riêng là việc thực thi thuyết thế tục hóa, xây dựng mô hình nhà nước thế tục. Đây là vấn đề còn mới lạ không chỉ với dân chúng mà còn đối với không ít người trong giới chuyên môn và ngay cả với chính giới.

- Bản chất của chính sách tôn giáo phải là một chính sách công. Quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội quyết định phần lớn nội dung, biểu hiện, đường hướng của chính sách tôn giáo. Mối quan hệ giữa Nhà nước - Giáo hội là có tính cốt lõi trong việc hoàn thiện chính sách tôn giáo trên cơ sở quan hệ mật thiết giữa chính sách tôn giáo và thực tiễn đời sống tôn giáo.

Có thể nói, đây là một công trình khoa học có giá trị, có những phát hiện mới, kiến giải sâu sắc và mới về lý luận. Công trình là một đóng góp rất kịp thời và hữu ích, không chỉ đối với việc nâng cao nhận thức trong giới chuyên môn và nhận thức xã hội nói chung mà còn đối với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách tôn giáo, với những người hoạt động chính trị - xã hội, làm công tác xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam từ Trung ương tới địa phương và cơ sở.

Nội dung sách gồm 4 chương:

Chương I: Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền: Mấy vấn đề lý luận, tác giả đề cập tới những nội dung: chính sách tôn giáo - một chính sách công; chính sách tôn giáo trong nhà nước pháp quyền: với những vấn đề cơ bản của nhà nước pháp quyền và tôn giáo; những nguyên lý cơ bản giải quyết mối quan hệ nhà nước pháp quyền và tôn giáo; nội dung chính sách tôn giáo. Tác giả cũng trình bày hệ thống các mô hình nhà nước thế tục tại Pháp, tại Mỹ; những ảnh hưởng của hai mô hình thế tục Pháp, Mỹ; mối quan hệ giữa “nguyên lý thế tục” và quyền tự do tôn giáo; những kinh nghiệm xây dựng nhà nước thế tục trên thế giới (Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, các nước Islam giáo Bắc Phi - Trung Đông).

Chương II: Đời sống tôn giáo Việt Nam hiện nay: Những vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội đề cập tới sự biến chuyển đời sống tôn giáo thế giới với những dự báo đầu tiên và góc nhìn xã hội học; những biến chuyển trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam với góc nhìn từ phía các tôn giáo, từ giới học thuật.

Chương III: Đổi mới và sự chuyển biến của chính sách tôn giáo đề cập đến tiến trình lịch sử của chính sách tôn giáo ở Việt Nam từ thời phong kiến, qua thời Pháp thuộc đến chính sách tôn giáo của chính quyền Sài Gòn (1954 - 1975), rồi chính sách tôn giáo thời kỳ Đổi Mới và chính sách đối với các tôn giáo cụ thể. Trong chương này, tác giả cũng đề cập đến thái độ của các tôn giáo trong việc tiếp nhận sự đổi mới chính sách tôn giáo.

Chương IV: Tôn giáo, chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền đề cập tới động thái mới của đời sống tôn giáo và những dự báo; tôn giáo và xã hội ở Việt Nam hiện nay; quá trình hoàn thiện luật pháp tôn giáo; chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền; pháp trị và tôn giáo; những vấn đề đặt ra với nhà nước pháp quyền và tôn giáo Việt Nam.

Trong phần Kết luận, tác giả nhấn mạnh:

1) Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng xử với vấn đề tôn giáo, góp phần vào những thành tựu chung của Cách mạng Việt Nam.

2) Thành tựu của nhân loại trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền nói chung về mặt tôn giáo, đó là: bản chất chính sách tôn giáo là giải quyết mối quan hệ Nhà nước - Tôn giáo, trong đó nguyên lý thế tục vẫn là con đường phổ biến của nhân loại trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo; nội dung và pháp lý giải quyết vấn đề tôn giáo trong chính sách tôn giáo, với thế giới hiện nay, chủ yếu là xây dựng một nhà nước pháp quyền về tôn giáo, cụ thể hơn giải quyết mối quan hệ pháp quyền tôn giáo, trong đó chủ yếu là luật pháp tôn giáo.

3) Tôn giáo còn là một thực tại xã hội, chịu ảnh hưởng qua lại của những điều kiện lịch sử cụ thể. Vì thế, khi nghiên cứu chính sách tôn giáo, không thể không nghiên cứu thực trạng, những động thái, xu hướng của đời sống tôn giáo, kể cả những tác động của đời sống tôn giáo thế giới.

4) Vì sao ở Việt Nam, khi hoạch định và hoàn thiện chính sách tôn giáo, mối quan hệ nhà nước với giáo hội vẫn là cái cốt lõi?

5)  Chính sách và luật pháp tôn giáo ở Việt Nam đã có những bước tiến dài từ sau Nghị quyết 24 (tháng 10/1990). Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đặt nền móng cho việc xây dựng mô hình nhà nước thế tục và từng bước hoàn thiện nó.

6) “Cái cần có” là việc tìm cho ra câu trả lời hai “câu hỏi” cơ bản, đúng hơn là hai mặt của luận đề Đổi mới chính sách tôn giáo hiện nay và Đại hội XI đã nêu ra.

7) Nhận thức “chính sách tôn giáo” và “nhà nước pháp quyền” - những cụm từ mới trong từ điển chính trị - xã hội ở Việt Nam, là điều kiện tiên quyết cho việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách tôn giáo, luật pháp tôn giáo hiện nay. Đây là những thực tại gắn bó chặt chẽ với nhau.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách Chính sách tôn giáo và nhà nước pháp quyền cùng độc giả./.