Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Hội thảo khoa học: Phật giáo Nam Tông Khmer đồng hành cùng dân tộc

11/06/2014
Hội thảo khoa học: Phật giáo Nam Tông Khmer đồng hành cùng dân tộc
Ngày 11/6/2014, tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày bốn nhà sư Khmer anh dũng hy sinh vì sự trường tồn của Phật pháp và giải phóng dân tộc; chào mừng Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ hai tổ chức tại Việt Nam thành công viên mãn.

Hội thảo góp phần làm sáng tỏ sự đóng góp của Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer đối với đạo pháp và dân tộc trong lịch sử cũng như hiện nay, từ đó định hướng hoạt động của Hệ phái trong tình hình mới góp phần tạo thêm sức mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (tại thành phố Cần Thơ) và các Học viện Phật giáo Việt Nam (tại Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang và các tỉnh thành khu vực Nam Bộ; Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Dân tộc học, Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khu vực IV (thành phố Cần Thơ), Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Đồng Tháp; Ban Tôn giáo Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và các sở ban ngành của tỉnh Kiên Giang như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch,v.v…

Trên 90 báo cáo và ý kiến tham gia hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề lớn sau đây:

Một là, nguồn gốc, lịch sử và truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer. Các bài viết ở chủ đề này đào sâu hai vấn đề lớn là: quá trình hình thành, truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam; đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đạo pháp và dân tộc trong lịch sử.

Về quá trình hình thành và truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam, đáng chú ý là, một vài nghiên cứu, sau khi trưng dẫn cứ liệu từ các công trình trong nước và ngoài nước, những di vật mà các nhà khảo cổ học người Pháp đã khai quật ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX, các truyền thuyết và dấu tích ở Kiên Giang và An Giang hiện còn đã cho rằng, Phật giáo Nam tông truyền vào vùng Suvanaphumi ở khu vực Đông Nam Á trước Công nguyên. Mà vùng Suvanaphumi nhiều khả năng là vùng Ba Thê (thuộc hải cảng Óc Eo cổ xưa, trước thuộc tỉnh Rạch Giá, nay là xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Tuy nhiên, theo Ban Tổ chức Hội thảo, đây là một giả thuyết khoa học chứ không phải là một kết luận khoa học. Bởi vì, vấn đề niên điểm, địa điểm, phương thức Phật giáo du nhập vào Nam Bộ và người Khmer ở Nam Bộ tương tự như vấn đề Phật giáo du nhập vào Bắc Bộ và người Việt ở Bắc Bộ vẫn còn nhiều điều cần phải tiếp tục bàn thảo thêm.

Các bài viết đề cập đến đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer đối với đạo pháp và dân tộc chủ yếu thông qua công trạng của các tăng sĩ và Phật tử người Khmer nổi tiếng như Hòa thượng Tăng Phô, Hòa thượng Tăng Hô, Hòa thượng Tăng Nê, Hòa thượng Sơn Vọng, Hòa thượng Hữu Nhem, Hòa thượng Lâm Em, Hòa thượng Thạch Som, Hòa thượng Danh Nhưỡng, bốn vị Đại đức Danh Tấp - Lâm Hùng - Danh Hom - Danh Hoi hy sinh trong sự kiện ngày 10/6/1974, bà Thạch Thị Thanh, bà Danh Thị Tươi, ông Thạch Ngọc Biên,v.v...; cũng như sự ra đời và hoạt động đầy hiệu quả của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước.

Hai là, những vấn đề triết học và Phật học trong kinh điển Phật giáo Nam tông Khmer. Các tham luận của chủ đề này trước hết làm rõ một số vấn đề hết sức cơ bản của triết học và Phật học trong kinh điển Phật giáo Nam tông như tính nhân bản của đạo đức Phật giáo qua Ngũ giới, văn hóa ứng xử của Đức Phật Thích Ca đối với các vấn đề xã hội, giá trị tư tưởng triết học Phật giáo Nguyên thủy trong tác phẩm Milinda Panha,v.v...

Tiếp theo, các bài viết nêu bật việc áp dụng kinh điển Phật giáo Nam tông đối với tu hành của sư sãi và cuộc sống của Phật tử Khmer hiện nay như việc rèn luyện thọ giới, bố thí và tụng niệm; việc ứng dụng lời dạy của Đức Phật về cách kiếm tài sản và cách dùng tài sản; các mối quan hệ cơ bản như cha con, chồng vợ, thầy trò, chủ tớ... nhằm xây dựng xã hội Việt Nam hôm nay đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại. Bên cạnh đó, các bài viết còn đi sâu phân tích quan niệm về vũ trụ và con người góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân khiến Phật giáo Nam tông trở thành nhân tố quan trọng nhất tạo nên bản sắc văn hóa và tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội đồng bào Khmer ở Nam Bộ.

Ba là, Phật giáo Nam tông Khmer hội nhập và phát triển. Ở chủ đề này, các tham luận bàn đến nhiều chiều cạnh của Phật giáo Nam tông Khmer trên bước đường hội nhập và phát triển như: ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông đối với người Khmer ở Nam Bộ, ảnh hưởng của Phật giáo Nam tông Khmer đối với văn hóa Nam Bộ, đóng góp của Phật giáo Nam tông Khmer đối với Phật giáo Việt Nam nhất là từ năm 1981 đến nay với tư cách là thành viên của ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những chiều cạnh khác của chủ đề thứ ba được các bài viết lưu tâm đề cập gồm: công tác giáo dục và đào tạo của người Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer đối với sự ổn định và phát triển xã hội hiện nay, mối quan hệ giữa Phật giáo Nam tông Khmer ở Việt Nam với Phật giáo Nam tông Khmer ở Campuchia, vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer với việc bảo vệ môi trường,v.v... 

Trên cơ sở đó, các bài viết phân tích một số vấn đề đặt ra đáng quan tâm liên quan đến người Khmer và Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ hiện nay như: bảo tồn và phát huy ngôn ngữ, chữ viết, truyền thống giáo dục, truyền thống gia đình, các loại hình nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của người Khmer; phát huy vai trò của Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước; vấn đề đói nghèo của người Khmer ở Nam Bộ đối với sự phát triển và phát triển bền vững; hạn chế của các chương trình đầu tư vào đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, người Khmer ở Nam Bộ nói riêng; một số chuyển đổi của Phật giáo Nam tông Khmer, nhất là việc một bộ phận người Khmer từ bỏ tôn giáo truyền thống để theo Tin Lành; hiện trạng mô hình đào tạo và việc cần thiết thay đổi mô hình đào tạo của Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; vấn đề tăng sĩ Phật giáo Nam tông Khmer ở Nam Bộ tu học ở các nước Đông Nam Á, nhất là Campuchia; Phật giáo Nam tông Khmer với bản sắc văn hóa tộc người và văn hóa quốc gia; việc giữ gìn nếp sống Phật tử ở cộng đồng người Khmer lao động xa quê; vấn đề truyền thông những giá trị của Phật giáo Nam tông đến với đông đảo công chúng,v.v...

Các phát biểu chào mừng của đại diện Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng như tổng kết của Ban Tổ chức đều khẳng định, Hội thảo khoa học Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Kết quả của cuộc hội thảo này giúp cho Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer thấy được những mặt ưu điểm cần phát huy, những vấn đề tồn tại cần khắc phục, nhằm tiếp tục có nhiều đóng góp hiệu quả hơn nữa đối với đạo pháp và dân tộc thời gian tới.  

 

Các tin đã đưa ngày: