Hội thảo khoa học với chủ đề “Thờ cúng Thành hoàng ở Hải Phòng: lịch sử, hiện tại và xu hướng biến đổi” nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ mang tiêu đề: Nghiên cứu tín ngưỡng thờ thành hoàng ở Kiến Thụy, Hải Phòng,.
Hội thảo có mục đích làm rõ những phương diện về lịch sử của truyền thống này, phân tích những điểm quan trọng của thực tế thờ cúng thần Thành hoàng hiện nay ở địa phương và thảo luận về những xu hướng thể hiện sự biến đổi cũng như thích ứng của truyền thống này với bối cảnh sống mới vốn đặc trưng bởi công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Hội thảo là dịp các nhà nghiên cứu gần xa quan tâm đến chủ đề thờ thần Thành hoàng ở Hải Phòng nói chung và ở huyện Kiến Thụy nói riêng nhìn lại và tổng kết những kết quả nghiên cứu về thờ cúng thần Thành hoàng ở địa phương này, khẳng định những phát hiện mới, thảo luận những vấn đề còn đang cần làm rõ, và gợi ra những hướng nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.
Do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nên Hội thảo được tổ chức dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp. Tham dự Hội thảo có các đại biểu, các nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu như: Ban Tôn giáo Chính Phủ; Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn; Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;… và toàn thể cán bộ Viện Nghiên cứu Tôn giáo.
Trong báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Hoàng Văn Chung, chủ nhiệm đề tài nêu rõ Hội thảo đã nhận được 15 báo cáo tham luận từ các nhà nghiên cứu địa phương và trung ương. Các báo cáo đã thể hiện sự hưởng ứng và đóng góp rất đáng trân trọng cho hội thảo. Chúng tôi tạm chia nội dung các báo cáo thành 3 nhóm chủ đề chính.
Nhóm chủ đề thứ nhất cung cấp bối cảnh về tư liệu nghiên cứu. Tham luận của TS. Hoàng Văn Chung và ThS. Vũ Thanh Bằng cung cấp một tổng quan tương đối chi tiết về các nghiên cứu bởi các tác giả trong và ngoài nước, từ trước và sau năm 1986 về tín ngưỡng thờ thần thành hoàng làng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam. Tham luận này có vai trò cung cấp thông tin dưới dạng một phông nền rộng cho các khảo cứu cụ thể về tín ngưỡng này ở Hải Phòng nói chung và Kiến Thụy nói riêng
Nhóm chủ đề thứ hai là về lịch sử và hiện trạng tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng ở huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Tham luận của ThS. Phạm Minh Phương cung cấp những thông tin có tính nền tảng về bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội và tôn giáo của vùng đất Kiến Thụy. Trong khi đó, tham luận của nhà Sử học địa phương Ngô Đăng Lợi cho thấy một lịch sử khá đầy đủ về truyền thống thờ thần Thành hoàng làng ở địa phương này. Đáng chú ý, tác giả đưa ra một số khuyến nghị thực tiễn để bảo tồn và tiếp nối truyền thống này, chẳng hạn như; phục hồi cơ sở thờ cúng theo kiến trúc gốc; Bài vị phục dựng phải để rõ thần hiệu; không tùy ý tiếp nhận đồ cung tiến; Thần tích làng cần dịch ra Quốc ngữ có chú giải từ ngữ cổ; Ban quản lý di tích nhất thiết phải nắm vững thần tích, luật lệ hiện hành về di tích lịch sử, văn hóa. Tham luận của Ngô Minh Khiêm làm rõ bức tranh tổng thể của thờ thần Thành hoàng ở Kiến Thuy, đặc biệt nhấn mạnh tính đa dạng trong điện thờ Thành hoàng ở các làng, xã. Theo ông, rất ít làng chỉ thờ một Thành hoàng, mà thường có từ hai hay ba hoặc cá biệt có nơi thờ đến tám vị. Trong số các vị được thờ Thành hoàng, có những vị có công đánh giặc giữ nước; cứu tế hộ dân; khai làng lập ấp; tạo nghề nghiệp mới,...; có nhân thần, nhưng cũng có nhiên thần; có Thành hoàng là nhân vật lịch sử, là tôn thất nhà Trần, nhà Mạc; có người có nguồn gốc nước ngoài (Trung Quốc)… Đáng chú ý là tham luận của Phạm Đăng Khoa một trí thức địa phương, cũng là người trực tiếp tham gia tổ chức lễ hội Minh thề ở Hòa Liễu, Thuận Thiên về thờ cúng thần thành hoàng làng ở Kiến Thụy. Tham luận thể hiện cái nhìn của người trong cuộc, trên cơ sở trân trọng di sản mà cha ông để lại, và nỗ lực thúc đẩy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng địa phương nhằm góp phần xây dựng cuộc sống ngày hôm nay.
Vũ Thanh Bằng có một đóng góp độc đáo: Khảo cứu về lễ hội pháo đùng ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương huyện Kiến Thụy. Theo tác giả, tiến trình phục hồi và kết thúc của lễ hội Pháo Đùng nơi đây đã phản ánh sự biến đổi của tín ngưỡng tôn giáo dưới tác động ngoại biên của chính sách pháp luật; cũng như sự linh hoạt của địa phương trong các bối cảnh chính trị, xã hội khác nhau.
Bên cạnh đó, còn có tham luận của Trương Thúy Trinh qua khảo cứu và so sánh, cố gắng chỉ ra những biến đổi của niềm tin và thờ cúng thần Thàng hoàng ở địa phương này. Cùng với đó, tham luận của ThS. Đỗ Duy Hưng và của ThS. Lê Tuấn Dũng tập trung vào những chi tiết cụ thể của thực hành thờ cúng thần Thành hoàng làng tại các xã Đông Phương, Thuận Thiên và Kim Sơn của huyện Kiến Thụy là nơi mà đề tài của chúng tôi đã chọn để khảo sát trong hơn một năm qua.
Sau cùng, nhóm tham luận thứ ba đi rộng ra về truyền thống và thực tiễn thờ cúng các vị thần, trong đó thần thành hoàng làng ở Hải Phòng nói chung, như thấy trong tham luận của TS. Đoàn Trường Sơn. TS. Nguyễn Ngọc Mai, ThS. Đỗ Đình Tuân. Tác giả Đoàn Trường Sơn chỉ ra rằng tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Thành hoàng ở Hải Phòng trước hết cần quan tâm tới những đặc điểm của quá trình hình thành cộng đồng dân cư, đời sống kinh tế, văn hóa – tín ngưỡng, tôn giáo, tập tục ở từng khu vực, nhân vật được thờ phụng và vật phẩm, bởi trong đó có những yếu tố riêng biệt. Tác giả Đỗ Đình Tuân, với vai trò của nhà quản lý về hoạt động văn hóa ở Hải Phòng, cho thấy các giá trị và những suy nghĩ về giải pháp nhằm phát huy giá trị của di sản tín ngưỡng truyền thống ở Hải Phòng nói chung, của thờ cúng thần thành hoàng làng ở huyện Kiến Thụy nói riêng.
Đặc biệt, Hội thảo cũng tiếp nhận hai tham luận thể hiện hướng tiếp cận khác, hoặc mang tính đối sánh. Tham luận của Nguyễn Đức Thiêm nói về niềm tin và các nguyên tắc của thuật phong thủy. Nó giúp chúng ta kiến giải phần nào về vị trí và lý do xây dựng các không gian thiêng để thờ cúng. Tham luận của Nguyễn Trọng Thanh và Nguyễn Ngọc Tiến lại nói về truyền thống thờ thủy thần ở thôn Dương Áo, xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng. Đây là địa phương có vị trí không xa so với Kiến Thụy, chỉ cách nhau con sông Văn Úc. Đáng chú ý, các vị thủy thần được thờ ở một số làng, xã trong huyện Tiên Lãng đã có sắc phong, và được thờ cúng như các vị thần Thành hoàng làng.
Hội thảo đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, các đại biểu tham dự hội thảo bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tiếp qua đó làm sâu sắc thêm những nội dung trong các bài tham luận, cũng như trao đổi, thảo luận về những nội dung, chủ đề của Hội thảo. Thông qua Hội thảo nhiều hướng nghiên cứu mới có thể tiếp tục triển khai, chẳng hạn như làm rõ vai trò và giá trị của tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng trong đời sống tâm linh, tôn giáo của người dân, những cải biến và sáng tạo, những nỗ lực thích ứng tín ngưỡng này với đời sống hiện đại, tương quan giới và vị thế của phụ nữ, v.v... Thông qua Hội thảo đã mở ra nhiều chủ đề nghiên cứu mới mẻ và hữu ích để cùng làm giàu tri thức về tín ngưỡng Thành hoàng ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng trong tương lai.
Cuối cùng TS. Hoàng Văn Chung, thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài và Ban Tổ chức hội thảo trân trọng cám ơn các nghiên cứu, bạn bè đồng nghiệp gần xa đã đóng góp các tham luận để Hội thảo này có thể diễn ra.