Lịch phục vụ
Video Clip
Liên kết website
Thống kê truy cập

1

Hội thảo khoa học “Quyền con người: tiếp cận nghiên cứu đa ngành và liên ngành khoa học xã hội”

07/01/2009
Hội thảo khoa học “Quyền con người: tiếp cận nghiên cứu đa ngành và liên ngành khoa học xã hội”
Hội thảo khoa học: “Quyền con người: tiếp cận nghiên cứu đa ngành và liên ngành khoa học xã hội” trong khuôn khổ Dự án: “Diễn đàn giáo dục về quyền con người ở bậc đại học và sau đại học” thuộc Chương trình Quản trị công và Cải cách hành chính theo Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Đan Mạch và Chính phủ Việt Nam đã được tổ chức tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam trong hai ngày 25 và 26 tháng 12 năm 2008.

Trong hai ngày làm việc, hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về quyền con người nhằm làm rõ mục tiêu là bước đầu tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản trong việc nghiên cứu đa ngành và liên ngành khoa học xã hội về quyền con người.

Trong bài phát biểu đề dẫn của Hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Giám đốc Dự án đã khẳng định: nghiên cứu đa ngành và liên ngành là hướng nghiên cứu đã và đang được hình thành và khẳng định trong nghiên cứu khoa học ở các nước trên thế giới. Hướng nghiên cứu này đã mang lại những giá trị to lớn trên nhiều phương diện, đánh dấu bước phát triển mới của khoa học nói riêng và góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển xã hội. Theo đó, nghiên cứu đa ngành và liên ngành về quyền con người có thể được tiến hành ở ba cấp độ: 1, nghiên cứu đa ngành và liên ngành về quyền con người trong phạm vi các ngành khoa học xã hội ở nghĩa rộng (các ngành khoa học xã hội ở nghĩa hẹp bao gồm các ngành khoa học pháp lý, và các ngành khoa học nhân văn); 2, nghiên cứu đa ngành và liên ngành về quyền con người trong lĩnh vực luật học (các ngành khoa học pháp lý); 3, nghiên cứu đa ngành và liên ngành về quyền con người trong mối quan hệ giữa các ngành khoa học xã hội, trong đó có các ngành khoa học pháp lý với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Hội thảo nhằm khẳng định giá trị xã hội của hướng nghiên cứu này trong nhận thức lý luận cũng như nhận thức thực tiễn về quyền con người.
 
Hội thảo đã nhận được 27 bài tham luận của các học giả đến từ các Viện Nhà nước và Pháp luật; Viện Nghiên cứu Con người; Viện Gia đình và Giới; Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; Viện Triết học; Viện Nghiên cứu Tôn giáo; Viện Dân tộc học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu quyền con người thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Khoa Nhà nước và Pháp luật trực thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Học viện An ninh nhân dân; Học viện Cảnh sát nhân dân.
 
Các bài tham luận tập trung vào bốn nhóm vấn đề:
 
Nhóm vấn đề thứ nhất là những vấn đề lý luận về tiếp cận nghiên cứu đa ngành và liên ngành khoa học xã hội về quyền con người. Nhóm vấn đề này đã nhận được 5 tham luận liên quan đến các vấn đề nghiên cứu mang tính đa ngành và liên ngành khoa học xã hội trong nghiên cứu quyền con người, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người trong thời kỳ đổi mới và phương pháp tiếp cận liên ngành khoa học xã hội.
 
Nhóm vấn đề thứ hai, tập trung làm sáng tỏ mối quan hệ hai chiều, mối quan hệ thuận nghịch, nội dung mối quan hệ, các hình thức và mức độ biểu hiện của mối quan hệ, giá trị và ý nghĩa của việc nhận thức mối quan hệ giữa quyền con người với phát triển xã hội, phát triển con người, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, toàn cầu hoá, chủ quyền quốc gia, an ninh con người, thông tin, truyền thông, nền văn minh. Nhóm vấn đề này đã nhận được 11 tham luận của các học giả trong và ngoài Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
 
Nhóm vấn đề thứ ba hướng đến việc lý giải mối quan hệ giữa quyền con người với tư cách là một ngành khoa học xã hội với các ngành khoa học xã hội cơ bản khác như: Triết học (triết học quyền con người); xã hội học (xã hội học quyền con người); chính trị học; đạo đức học. Đã có 6 bài tham luận đề cập đến các chủ đề thuộc nhóm vấn đề này.
 
Nhóm vấn đề thứ tư, với 5 tham luận đã tập trung tìm hiểu mối quan hệ hai chiều, thuận nghịch, các hình thức và mức độ biểu hiện, giá trị và ý nghĩa của việc nhân thức mối quan hệ giữa quyền con người và văn hoá, dân tộc, tôn giáo và các vấn đề về giới liên quan đến quyền con người.
 
Sau ba phiên làm việc khẩn trương và nghiêm túc, hội thảo đã nghe báo cáo tất cả các tham luận và đã có 32 lượt ý kiến thảo luận thẳng thắn và cởi mở được chia sẻ và trao đổi.
 
Với kết quả thành công của Hội thảo, Ban Giám đốc Dự án đã quyết định sẽ biên tập và xin phép xuất bản kỷ yếu của Hội thảo trong thời gian tới.
                                                                                                                   
                                          Theo tin tại Website Viện KHXH Việt Nam

 

Các tin đã đưa ngày: